Xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) có 93,1% số hộ dân sản xuất nông nghiệp, 100% số hộ dân tái định cư tại 10 bản. Để giúp người dân tái định cư ổn định đời sống, chính quyền xã đã thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn chính sách của Đảng và Nhà nước để hỗ trợ. Nhờ đó, tính đến tháng 6/2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 24,69%; thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt khoảng 22 triệu đồng.
Đường bê tông được xây dựng thuận tiện cho người dân đi lại. Ảnh: Quang Duy-TTXVN |
Là một trong những hộ thực hiện tốt việc phát triển kinh tế từ các nguồn hỗ trợ, hộ gia đình ông Quàng Văn Thoải, dân tộc Thái ở bản Giẳng, xã Mường Mô hiện nay không chỉ thoát nghèo mà còn có nguồn thu ổn định, thuộc hộ khá của bản. Theo ông Thoải, năm 2016, gia đình được hỗ trợ một con trâu sinh sản từ chương trình 30a. Nhờ chăm sóc tốt nên con trâu đã sinh ra nghé con để có sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Được nhà nước khuyến khích khai khẩn đất hoang hóa, gia đình ông đã cải tạo diện tích nương để trồng lúa, mỗi năm thu hoạch trên một tấn thóc. Qua đó, không chỉ đủ lương thực cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình mà còn có nguồn thức ăn chăn nuôi. Ông Quàng Văn Thoải phấn khởi cho biết: "Đầu năm 2017, gia đình tiếp tục được hỗ trợ cấp cây quế để thực hiện mô hình trồng quế. Tới nay, gia đình đã trồng quế được 8.000m2 và đang tích cực chăm sóc. Nếu diện tích quế phát triển tốt thì đây sẽ là nguồn thu khá với gia đình".
Việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới đồng bào dân tộc thiểu số tái định cư được chính quyền xã Mường Mô đẩy mạnh thực hiện, gắn việc tuyên truyền trong các cuộc họp bản, sinh hoạt chi bộ; nêu cao vai trò của đảng viên gương mẫu đi đầu phát triển kinh tế. Ông Lò Văn Phón, Bí thư Chi bộ bản Km41, xã Mường Mô cho biết: "Trên cương vị là Bí thư chi bộ, những việc chung có lợi cho bà con trong bản tôi luôn cố gắng thực hiện tốt. Những gì bà con chưa hiểu, mình cần tìm hiểu thật kỹ để giải đáp các thắc mắc cho bà con, tạo sự đồng thuận trong bà con của bản; tích cực tuyên truyền bà con thay đổi lối canh tác cũ, đưa cây con mới vào nuôi trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất".
Thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững và Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong năm 2016, người dân xã Mường Mô được nhận gần 300 con lợn nái Móng Cái sinh sản, 130 con trâu cái sinh sản, 7.600 con gà để gây dựng phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, xã Mường Mô cũng thực hiện được mô hình trồng cây ăn quả với trên 53 ha nhãn, xoài, dừa, vải; mô hình nuôi cá lồng, trồng cỏ VA06. Riêng với mô hình nuôi cá lồng, hiện nay, trên địa bàn xã có 62 lồng cá, trong đó có 21 lồng cá được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng cá. Để hỗ trợ và khuyến khích người dân thâm canh tăng vụ nhằm nâng cao năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích canh tác, xã Mường Mô đã thực hiện hỗ trợ 30% giá giống các loại cây trồng như ngô, lúa, lạc, đậu tương cho người dân. Đồng thời, vận động người dân triển khai trồng rừng thay thế, trồng quế, lát, gỗ xưa....
Đồng bào dân tộc La Hủ chăm sóc đàn bò từ nguồn vốn giảm nghèo. Ảnh: Quang Duy-TTXVN |
Để thực hiện đúng, vận dụng hợp lý các nguồn hỗ trợ, tạo động lực cho người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên vùng đất mới, UBND xã Mường Mô đã rà soát, lập danh sách các hộ gia đình đăng kí có nhu cầu được hỗ trợ, trình cơ quan cấp trên có thẩm quyền phê duyệt danh sách hỗ trợ. Ông Đỗ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Mô cho hay, khi tái định cư thủy điện Lai Châu, xã có 8/9 bản chuyển lên nơi ở mới, 1 bản sắp xếp ổn định dân cư. Trước tái định cư, đời sống của người dân rất khó khăn. Sau khi thực hiện xong công tác tái định cư, việc ổn định và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất luôn được xã đặc biệt quan tâm, từ đó đã có những cách vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ cho người dân gắn với chương trình xây dựng xã nông thôn mới.
Quang Duy