Xã hội hóa công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật

Xã hội hóa công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật
Xã hội hóa công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật ảnh 1
Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, hiện nước ta có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số. Trong đó, 58% người khuyết tật là phụ nữ, 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Để đảm bảo và chăm sóc cho người khuyết tật, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều Đề án, chính sách về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho các đối tượng này. Nhiều văn bản đã dược ban hành như Bộ luật Lao động, Luật Người khuyết tật... tạo cơ sở triển khai các chính sách đến người khuyết tật tại các địa phương. Nhờ đó đến nay đã có nhiều địa phương thành lập và bố trí kinh phí từ Quỹ việc làm cho người khuyết tật để hỗ trợ, tạo việc làm; đã có hơn 15.000 lao động là người khuyết tật và hơn 16.000 lao động khuyết tật khác đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình hoặc được hỗ trợ từ Quỹ việc làm.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Trong số những người khuyết tật được hỗ trợ về dạy nghề, tạo việc làm có gần 41% người nhận được tư vấn về học nghề, tư vấn việc làm và giới thiệu việc làm, gần 18% người được miễn, giảm học phí... Đáng chú ý, số cơ sở dạy nghề ở Việt Nam đã tăng lên cả về số lượng, chất lượng. Đến nay, 156 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, trong đó 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt, 200 cơ sở tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, trên 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội báo cáo công tác tạo việc làm đối với người khuyết tật Việt Nam tại Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội báo cáo công tác tạo việc làm đối với người khuyết tật Việt Nam tại Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Các tổ chức của người khuyết tật cũng đóng góp tích cực vào việc gia tăng số người khuyết tật học nghề, tạo việc làm hàng năm. Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố giai đoạn 2012-2017 cho thấy, mỗi năm các tổ chức này đã dạy nghề, hỗ trợ hàng chục nghìn người khuyết tật có việc làm. Tuy nhiên, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, việc đào tạo và hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật phần lớn là tư vấn, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các trung tâm dịch vụ việc làm với các doanh nghiệp, do đó rất ít người khuyết tật tìm được việc làm ổn định.

Ông Đoàn Xuân Tiếp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Chân – Thiện – Mỹ, đại diện doanh nghiệp tiêu biểu trình bày tham luận về tình hình tạo việc làm đối với người khuyết tật. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Ông Đoàn Xuân Tiếp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Chân – Thiện – Mỹ, đại diện doanh nghiệp tiêu biểu trình bày tham luận về tình hình tạo việc làm đối với người khuyết tật. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan nhận định, việc tự tạo việc làm cho người khuyết tật đã, đang triển khai chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Tỷ lệ người khuyết tật có việc làm trong các cơ sở kinh doanh thấp, khoảng trên dưới 10%, còn lại là lao động tự làm, lao động hộ gia đình, tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh ở địa phương với các công việc chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, bấp bênh, có thu nhập thấp.

Trao Bằng khen cho 17 cá nhân tiêu biểu tạo việc làm tốt cho người khuyết tật. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Trao Bằng khen cho 17 cá nhân tiêu biểu tạo việc làm tốt cho người khuyết tật. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Thứ trưởng cho rằng, do tác động của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tác động của già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... dự báo trong những năm tới, số lượng người khuyết tật sẽ tiếp tục gia tăng, đời sống của người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật thuộc hộ nghèo, ở vùng thường xuyên bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn. Cần nhiều hơn nữa quyết tâm, nỗ lực chung tay hành động của các cấp, các ngành, sự sẻ chia của các tổ chức, cá nhân đối với người khuyết tật; tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về dạy nghề, tạo việc làm và trợ giúp xã hội để nâng cao đời sống, giảm tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật; nâng cao năng lực của các cơ sở trợ giúp người khuyết tật, cơ sở đào tạo nghề cho người khuyết tật. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, 100% người khuyết tật có khả năng lao động, có kỹ năng nghề có việc làm bên cạnh việc rà soát hoàn thiện chính sách, rất cần sự chung tay, sẻ chia của toàn xã hội. Cần nhiều hơn nữa “chiếc cầu” để người khuyết tật có điều kiện, cơ hội được làm việc và ổn định cuộc sống; trong đó đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, tạo việc làm là yếu tố vô cùng quan trọng giúp người khuyết tật có cơ hội có việc làm ổn định để hòa nhập với xã hội - Thứ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Trao Bằng khen cho 12 doanh nghiệp tiêu biểu trong tạo việc làm cho người khuyết tật. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Trao Bằng khen cho 12 doanh nghiệp tiêu biểu trong tạo việc làm cho người khuyết tật. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Tại hội nghị, 100 doanh nghiệp tiêu biểu đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người khuyết tật, được biểu dương trong đó có nhiều chủ doanh nghiệp là những người khuyết tật.
Phúc Hằng

Có thể bạn quan tâm