Xã đông người dân tộc Khmer nhất Sóc Trăng đạt chuẩn nông thôn mới

Xã đông người dân tộc Khmer nhất Sóc Trăng đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 15/1, tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Phú Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là xã có tỷ lệ đồng bào Khmer sinh sống cao nhất tỉnh Sóc Trăng, với gần 93%.

Xã đông người dân tộc Khmer nhất Sóc Trăng đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 1Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu trao học bổng cho học sinh dân tộc Khmer xã Phú Mỹ. Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Dự lễ công bố có lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành cùng trụ trì các chùa phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam thông tin, Phú Mỹ từng là xã đặc biệt khó khăn với gần 93% dân số là đồng bào Khmer. Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới Phú Mỹ chỉ đạt 4/19 tiêu chí, trong đó, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 15 triệu đồng, hộ nghèo chiếm đến 25,42%. Đời sống của người dân rất khó khăn.

Sau 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, diện mạo phum sóc, đời sống người dân Phú Mỹ có sự thay đổi, chuyển biến tích cực. Nổi bật nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư khá đồng bộ, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả từng bước được hình thành và nhân rộng. Năm 2023, người dân xã Phú Mỹ có mức thu nhập bình quân đạt gần 57 triệu đồng/năm (tăng gấp 3,8 lần so với trước khi xây dựng nông thôn mới), hộ nghèo giảm chỉ còn 0,15%.

Xã đông người dân tộc Khmer nhất Sóc Trăng đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 2Ông Phạm Tuân, Bí thư Huyện ủy Mỹ Tú, trao Giấy khen của UBND huyện cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị, Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Tú, Đảng bộ, nhân dân xã Phú Mỹ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian sớm nhất và mục tiêu nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đi vào chiều sâu, lan tỏa giá trị xây dựng nông thôn mới đến từng hộ gia đình, vận động người dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Phú Mỹ cần thực hiện tốt việc huy động có hiệu quả các nguồn lực để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn thích ứng với cơ chế thị trường, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Xã Phú Mỹ có diện tích tự nhiên 4.135,28 ha; trong đó, đất nông nghiệp chiếm 92,18%. Toàn xã có 7 ấp, với 3.327 hộ; đa số người dân sống bằng nghề nông.

Xác định mục tiêu chính của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân theo hướng bền vững, UBND xã phối hợp chuyển giao khoa học, kỹ thuật, vận động nhân dân cải tạo vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế. Qua đó, địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hiệu quả (như: Sản xuất lúa đặc sản ST25; Trồng rau màu xuống chân ruộng; Nuôi bò sữa…) từng bước đem lại thu nhập ổn định cho nhân dân. Trong 13 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đồng bào dân tộc Khmer xã Phú Mỹ đã hiến đất, vật kiến trúc, ngày công lao động, tiền mặt… với tổng giá trị lên tới gần 20 tỷ đồng.

Xã đông người dân tộc Khmer nhất Sóc Trăng đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 3Các vị Trụ trì các chùa phật giáo Nam tông Khmer ở xã Phú Mỹ tham dự lễ. Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Ông Đỗ Văn Konl (ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ) cho biết, từ khi chính quyền địa phương phát động Chương trình Xây dựng nông thôn mới, đồng bào dân tộc sẵn sàng hiến đất để xây cầu, làm đường giao thông nông thôn, xây trường học. Người dân tộc Khmer nơi đây hiểu được Chương trình phục vụ cho sự phát triển của phum, sóc, việc làm ăn kinh tế của đồng bào nên ai phấn khởi, đồng thuận.

Ông Võ Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ cho hay, với phương châm “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, chứ không có điểm kết thúc”, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới xã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2025.

Lãnh đạo UBND xã xác định, tiếp tục tập trung đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đa dạng cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng hữu cơ; nâng cao hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh theo hướng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng. Xã tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nông thôn, nhất là nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt và phát triển mạng lưới trường học, y tế, hạ tầng thông tin truyền thông.

Xã đông người dân tộc Khmer nhất Sóc Trăng đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 4Các đại biểu tham dự lễ. Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen 2 tập thể, 4 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới; tặng 50 suất học bổng cho học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn, trao Bảng tượng trưng 100 triệu đồng cho địa phương. UBND huyện Mỹ Tú tặng Giấy khen 7 tập thể, 14 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới...

Tuấn Phi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm