Nông thôn Bình Thuận phát triển toàn diện. Ảnh: binhthuan.gov.vn |
Thay đổi diện mạo nông thôn
Về xã nông thôn mới Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc hôm nay với những đổi thay tích cực của một vùng nông thôn. Năm 2009, từ xuất phát điểm là một xã miền núi với đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống xã Hàm Trí được lựa chọn là một trong 9 xã điểm về xây dựng nông thôn mới. Với sự đồng thuận của nhân dân và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, năm 2014 xã Hàm Trí “về đích” nông thôn mới và hiện nay tiếp tục được huyện Hàm Thuận Bắc chọn làm xã điểm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 – 2020, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Giờ đây, vùng nông thôn đã thực sự đổi khác.
Những con đường đất lầy lội đã được cứng hóa, bê tông hóa… thông suốt trong xã. Nhà tạm, nhà dột nát cơ bản được xóa, nhiều căn nhà khang trang được xây lên, ngõ xóm cũng sạch sẽ và văn minh hơn trước. Trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,88% (khoảng 60 hộ, giảm 50 hộ so với năm 2010). Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 42,05 triệu đồng/người/năm (tăng 29,35 triệu đồng so với năm 2010).
Không chỉ Hàm Trí mà những vùng nông thôn khác ở Bình Thuận cũng đang đổi thay từng ngày. Có thể nói, dấu ấn rõ nét nhất chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận chính là những thành tựu về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ và đầu tư các công trình hạ tầng cơ bản. Với tổng nguồn vốn huy động hơn 31.000 tỷ đồng, qua gần 10 năm, Bình Thuận đã đầu tư xây mới, nâng cấp gần 980 km đường bê tông xi măng, thực hiện được nhiều tuyến đường ánh sáng nông thôn. 52 km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, phong trào làm thủy lợi nhỏ tiếp tục phát huy hiệu quả, cơ bản đáp ứng nhu cẩu tưới tiêu.
Bên cạnh đó, gần 2.200 công trình trường học được xây dựng và sửa chữa khang trang hơn. Mạng lưới y tế cơ sở, trang thiết bị y tế được ưu tiên đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn…
Nếu như năm 2010, Bình Thuận không có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới thì đến tháng 10/2019, Bình Thuận có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 60% tổng số xã); về đích trước 1 năm kế hoạch giai đoạn và vượt 8 xã so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2020. Huyện Phú Quý được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Bình quân toàn tỉnh đạt 15,4 tiêu chí/xã.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, chương trình nông thôn mới đã tạo nên sự thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn của tỉnh. Đời sống của người dân được cải thiện, các mặt giáo dục, y tế, đời sống văn hóa được duy trì và tiến bộ… Đặc biệt, nhận thức, ý thức của cán bộ và nhân dân đã chuyển mạnh từ tư tưởng trông chờ, ỷ lại đến tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Liên kết sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp
Nếu ở giai đoạn 2010 - 2015, việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới còn nặng về xây dựng cơ bản thì đến giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện theo yêu cầu và bám sát định hướng xây dựng nông thôn mới của Trung ương, Bình Thuận đã tập trung đi sâu vào các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến sinh hoạt và sản xuất của người dân như: đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Theo đó, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa đối với các nhóm sản phẩm chủ lực tiếp tục được khuyến khích phát triển. Toàn tỉnh đã thực hiện sản xuất gần 1.000 ha lúa theo chương trinh liên kết “4 nhà” vả 1.200 ha liên kết sản xuất lúa nếp tại huyện Đức Linh; tiếp tục duy tri 1.000 ha lúa chất lượng cao tại huyện Tánh Linh.
Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Đề án tập trung vào 3 nội dung chính: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất thanh long; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống thủy sản và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các cây trồng.
Nhờ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã nông thôn mới tăng lên qua các năm. Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 39 triệu đồng (gấp 2,66 lần so với năm 2010).
Huyện Tánh Linh là một địa phương tiên phong trong việc triển khai thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Theo ông Lưu Đức Vinh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, nhằm tạo sự đột phá, thay đổi cách thức sản xuất để thu hút đầu tư, gắn đầu ra sản phẩm theo hướng an toàn, huyện Tánh Linh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, đi vào chiều sâu các sản phẩm lợi thế của huyện, hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, đáp ứng cho nhu cầu công nghiệp chế biến như: lúa, điều, cao su, thủy sản nước ngọt...
Hiện nay, huyện đã tập trung phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, đồng thời mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã để liên kết sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm chủ lực như: Lúa thương phẩm theo quy mô cánh đồng lớn 850 ha; tiếp tục xây dựng thương hiệu "Gạo Tánh Linh" đồng thời phối hợp với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất- tiêu thụ vùng sản xuất lúa giống 250 ha.
Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh triển khai mô hình nuôi cá thác lác lồng bè gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; liên kết sản xuất tiêu thụ các nông sản như: hạt giống lai F1; ớt, đậu bắp, cao su…
Mục tiêu đến năm 2025, 80% số xã trong tỉnh Bình Thuận đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 77 xã) và toàn tỉnh có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Để chương trình xây dựng nông thôn mới phát triển nông thôn toàn diện và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, lấy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển du lịch nông thôn làm nền tảng cơ bản.
Bên cạnh đó, các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng từng bước hiện đại, phát triển nhanh việc ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ…
Hồng Hiếu