Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đang là hướng phát triển kinh tế của bà con nông dân tỉnh Vĩnh Long. Không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định thu nhập, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn góp phần tạo thương hiệu cho các mặt hàng nông sản địa phương…
Ứng dụng công nghệ kết hợp với quan sát, xử lý thường xuyên các vấn đề “sức khỏe” của cây, vườn dưa lưới Peace Farm của chị Lê Ngọc Hiền ở phường Trường An, thành phố Vĩnh Long đang cho hiệu quả kinh tế khá tốt. Dù chỉ với diện tích 1.000 m2 nhưng chị Hiền đã linh hoạt trồng xen kẽ nhiều loại như dưa leo, dưa lưới, dưa hấu, cà chua…, đồng thời kết hợp với du lịch trải nghiệm. Sau một thời gian triển khai, vườn dưa lưới Peace Farm đã thu hút khá đông du khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sản phẩm và tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC).
Với mô hình nuôi lươn không bùn sử dụng hệ thống lọc tuần hoàn, ông Nguyễn Trí Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH nông trang Island ở xã Phú Quới, huyện Long Hồ đã tiết kiệm được khá nhiều nước và nhân công. Chỉ cần sử dụng các bể lắng lọc, vi sinh, bơm nước, máy tạo oxy và cho nguồn nước từ bể nuôi lươn qua các bể lắng lọc để tái sử dụng lại, mô hình này đã giúp ông Nghiệp chỉ phải thay nước 1 lần/tháng thay vì 2 - 3 lần/ngày như trước đây.
Xác định nông nghiệp ứng dụng CNC là hướng đi tất yếu, Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC đạt trên 20% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Theo ông Trường Thành Dãnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, để thực hiện mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 - 2030.
Trong thời gian tới, Vĩnh Long sẽ tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, duy trì và nhân rộng việc ứng dụng CNC vào sản xuất kinh doanh, đồng thời hỗ trợ chính sách về ứng dụng CNC vào các khâu của quy trình sản xuất nhằm tạo nền móng cho sản xuất nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ phát triển theo hướng bền vững.
Thúy Hằng