Vĩnh Long: Quan tâm phát triển thể dục, thể thao vùng đồng bào Khmer

Vĩnh Long: Quan tâm phát triển thể dục, thể thao vùng đồng bào Khmer

Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 22.600 người dân tộc Khmer sinh sống, tập trung chủ yếu ở thị xã Bình Minh và các huyện: Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm. Thời gian qua, các cấp, ngành đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện để người dân đồng bào Khmer được tập luyện, cũng như tham gia các ngày hội, giải đấu để rèn luyện sức khỏe, nâng cao năng lực, tinh thần thi đấu thể thao. Qua phong trào vừa cổ vũ, thúc đẩy tinh thần tập luyện của người dân, vừa góp phần giữ gìn các môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer, từ đó đóng góp chung vào thành tích thi đấu ở các bộ môn thể thao của địa phương.

Cổ vũ phong trào thể dục, thể thao trong đồng bào Khmer

Xã Đông Bình, thị xã Bình Minh có 2 ấp có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 30% số hộ trên toàn xã. Nếu trước đây, người dân chủ yếu tập trung cải thiện thu nhập thì hiện nay đã quan tâm nhiều hơn đến việc rèn luyện sức khỏe thông qua tập luyện thể thao. Tranh thủ buổi chiều sau giờ làm, giờ học, người dân tích cực tham gia tập thể dục, tập luyện các môn bóng đá, bóng chuyền, võ thuật… để nâng cao sức khỏe và có thêm kỹ thuật tham gia các giải đấu do địa phương tổ chức.

Vĩnh Long: Quan tâm phát triển thể dục, thể thao vùng đồng bào Khmer ảnh 1Các thanh niên xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tinh Vĩnh Long tham gia tập luyện môn bóng chuyền vào mỗi buổi chiều. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Tại Trung tâm Văn hóa và học tập cộng đồng xã Đông Bình, không khí luyện tập thể dục, thể thao của người dân rất sôi động. Nhiều phụ nữ, em nhỏ tranh thủ thời gian đến để tập luyện với các dụng cụ thể dục được trang bị. Bà Kim Thị Thu Hương (ngụ xã Đông Bình, thị xã Bình Minh) cho biết, từ ngày trung tâm văn hóa có trang bị các dụng cụ tập thể dục, ngày nào bà và các chị em hàng xóm cũng rủ nhau sang đây để đi bộ, luyện tập với các dụng cụ. “Từ hồi có đồ tập tới giờ, chị em ở đây rủ nhau qua tập thường xuyên. Mọi người nói chuyện vui vẻ vừa gắn kết vừa luyện tập để có sức khỏe tốt hơn.”-bà Kim Thị Thu Hương nói.

Còn với các em nhỏ ở gần đó, cứ mỗi chiều tan học, các em lại rủ nhau đến tập luyện, vui chơi. Sân sau của trung tâm cũng được tạo điều kiện để các em đến tập luyện đá bóng, thỏa niềm đam mê. Em Lý Hào Kiệt (ngụ xã Đông Bình, thị xã Bình Minh) phấn khởi nói: Sau giờ học, con hay qua đây chơi đá bóng và tập các dụng cụ thể dục. Qua đây có đông bạn bè, được chơi thoải mái nên tụi con rất thích.

Cách đó không xa, các thanh niên cũng đã có mặt tham gia tập luyện bóng chuyền. Không khí tập trung và căng thẳng không thua gì các cuộc thi đấu. Tranh thủ sau giờ làm, các thanh niên địa phương hẹn nhau đến tập. Thường thì chơi bóng chuyền, đá bóng và đá cầu. Anh Thạch Hoài Nam (ngụ xã Đông Bình, thị xã Bình Minh) cho biết, nhờ địa phương hỗ trợ sân thi đấu, lưới và bóng nên anh em cũng phấn khởi, cố gắng tập luyện. Ngày nào cũng đến đây thi đấu với nhau để tăng cường tính đoàn kết ở địa phương và học hỏi thêm được kỹ thuật.

Vĩnh Long: Quan tâm phát triển thể dục, thể thao vùng đồng bào Khmer ảnh 2Các em nhỏ đến vui chơi tại Trung tâm Văn hóa và học tập cộng đồng xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tinh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa và học tập cộng đồng xã Đông Bình Nguyễn Thị Kiều Nhi cho biết, phong trào tập luyện thể dục, thể thao trong đồng bào Khmer tại địa phương đang phát triển, người dân không chỉ tự ý thức luyện tập để nâng cao sức khỏe bản thân mà còn có tinh thần tham gia sôi nổi trong các ngày lễ, ngày hội và các giải thi đấu thể thao ở địa phương. Có được sự phát triển này là nhờ thời gian qua địa phương quan tâm đầu tư thêm cơ sở vật chất như sân bóng, dụng cụ tập luyện, đặc biệt là qua việc linh động tổ chức nhiều hoạt động giao lưu thể dục, thể thao ở địa phương, để thu hút người dân tham gia, từ đó cỗ vũ phong trào trào đi lên.

Còn tại xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, hiện có khoảng 20% dân số là người dân tộc Khmer. Địa phương đã phát huy vai trò xã hội hóa, vận động nhân dân đóng góp xây dựng sân bãi phục vụ cho tập luyện, giao lưu thi đấu thể thao, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và thể thao quần chúng trong vùng đồng bào Khmer. Địa phương thường xuyên tổ chức, tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động thể thao ở các môn, như: Kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền, đua ghe ngo...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn Nguyễn Bích Thy cho biết: "Bà con rất mong muốn được tham gia các môn thể thao. Mỗi lần chuẩn bị cho dịp lễ hội, bà con nhiệt tình tập luyện và thi đấu hăng say. Thời gian tới, địa phương tiếp tục phát triển phong trào, đồng thời đề xuất các cấp, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ trong xây dựng, tu bổ các địa điểm sân bãi để người dân có điều kiện tập luyện tốt hơn".

Quan tâm phát triển phong trào

Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân, trong đó có đồng bào Khmer, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long dần phát triển, đáp ứng được nhu cầu luyện tập thể dục, thể thao ngày càng cao của người dân.

Ông Cao Tấn Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Trà Ôn cho biết, thời gian qua, địa phương đã quan tâm đầu tư, bảo tồn, duy trì các môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer, trong đó nổi bật là các môn bóng đá, bóng chuyền, đua ghe ngo, đẩy gậy… Địa phương cũng tập trung phục hồi, phát triển môn bi sắt, cờ ốc. Hiện nay, huyện có được 2 ghe ngo, 6 sân bi sắt. Ngoài ra, các chùa đều có sân bóng chuyền để đáp ứng nhu cầu luyện tập, phát triển phong trào. Song song đó, để lan tỏa phong trào, địa phương thường xuyên tổ chức các giải thi đấu, ngày hội để người dân tham gia.

Vĩnh Long: Quan tâm phát triển thể dục, thể thao vùng đồng bào Khmer ảnh 3Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long bàn giao sân tập và hướng dẫn cách chơi môn bi sắt tại chùa Cũ, xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Ông Sơn Hoàng Duy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao thị xã Bình Minh cho biết, phong trào thể dục, thể thao trong đồng bào Khmer tại địa phương khá sôi nổi. Người dân nhiệt tình tham gia thi đấu các ngày lễ, tết truyền thống của đồng bào, đồng thời đóng góp trong các kỳ đại hội thể dục thể thao. Từ đó, địa phương đã xác định được các môn thể thao thế mạnh, phát hiện các vận động viên có năng khiếu ở từng môn, bồi dưỡng và tạo điều kiện để tham gia thi đấu.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Trung Toàn, những năm qua, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong đồng bào Khmer luôn được các cấp, ngành quan tâm. Các địa phương có đồng bào dân tộc thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao vào các dịp tết, lễ hội, tạo nên không khí sôi động, đoàn kết trong đồng bào.

Để thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao trong đồng bào Khmer, tỉnh đã đầu tư để phát triển một số môn truyền thống như ghe ngo, bóng đá, bóng chuyền. Ngoài ra, đối với môn bi sắt, tỉnh cũng xây dựng Đề án phát triển môn Bi sắt trong chùa đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2020 – 2025, qua đó đã tập trung xây dựng, bàn giao, tập huấn kỹ thuật để phát triển bộ môn này. Bên cạnh đó, ngành cũng quan tâm phục hồi, phát triển môn cờ ốc, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn để người chơi ngày càng hoàn thiện các kỹ năng.

Vĩnh Long: Quan tâm phát triển thể dục, thể thao vùng đồng bào Khmer ảnh 4Các em học sinh đồng bào dân tộc Khmer tại Đông Bình, thị xã Bình Minh, tinh Vĩnh Long tham gia tập luyện môn Teakwondo. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tập luyện, thi đấu thể thao, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” để tạo sự lan tỏa rộng rãi trong trong đồng bào Khmer. Ngành sẽ rà soát để có kế hoạch hỗ trợ chuyên môn thi đấu, khôi phục, bảo tồn các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer, thường xuyên tổ chức thi đấu lồng ghép những môn thể thao dân tộc vào các dịp lễ, Tết, các kỳ Đại hội Thể dục thể thao tại địa phương, để tạo sân chơi sôi động cho người dân, đồng thời tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc.

Lê Thúy Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm