Vĩnh Long: Khảo sát, nghiên cứu hướng khắc phục sạt lở bờ sông Cổ Chiên

Vĩnh Long: Khảo sát, nghiên cứu hướng khắc phục sạt lở bờ sông Cổ Chiên

Chiều 6/12, Đoàn công tác lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã đến khảo sát trực tiếp tại khu vực sạt lở bờ sông Cổ Chiên thuộc ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ; đồng thời thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các hộ dân bị mất nhà do ảnh hưởng của sạt lở.

Vĩnh Long: Khảo sát, nghiên cứu hướng khắc phục sạt lở bờ sông Cổ Chiên ảnh 1Vườn cây ăn trái bị ngập nước và có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Qua khảo sát thực tế, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long nhận định, hiện nay khu vực sạt lở còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tiếp tục sạt lở sâu vào đất liền. Do đó, các ngành chuyên môn cần tập trung khảo sát, nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân chính gây sạt lở, đồng thời tham mưu phương hướng khắc phục thiên tai, sớm có kế hoạch bảo vệ vườn cây ăn trái.

Vĩnh Long: Khảo sát, nghiên cứu hướng khắc phục sạt lở bờ sông Cổ Chiên ảnh 2Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thành Thế thăm và hỗ trợ các gia đình bị mất nhà do sạt lở. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Chính quyền địa phương tổ chức bố trí biển báo cảnh giác khu vực sạt lở trên đường bộ và đường sông, không để người dân vào khu vực có nguy cơ sạt lở; cử lực lượng thường xuyên trực tại các khu vực này để theo dõi diễn biến sạt lở, nhằm kịp thời ứng phó; rà soát, vận động người dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn. Song song đó, các ngành, đoàn thể tích cực vận động nguồn lực, đồng hành, hỗ trợ người dân bị ảnh thưởng do sạt lở tạm thời ổn định cuộc sống trong thời gian chờ cấp thẩm quyền hỗ trợ theo quy định.

Vĩnh Long: Khảo sát, nghiên cứu hướng khắc phục sạt lở bờ sông Cổ Chiên ảnh 3Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời thăm và hỗ trợ các gia đình bị mất nhà do sạt lở. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Trước đó, vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 5/12, trên tuyến sông Cổ Chiên, đoạn qua ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng. Qua khảo sát, có 22 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 12 hộ có nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông, 10 hộ có nguy cơ ảnh hưởng phải di dời. Ngoài ra, sạt lở còn làm chìm 1 nhà kho, 1 xe cuốc đang thi công công trình đê bao và 2 ao nuôi cá chốt. Ước tổng diện tích sạt lở khoảng 4,1 ha, tổng thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng.

Vĩnh Long: Khảo sát, nghiên cứu hướng khắc phục sạt lở bờ sông Cổ Chiên ảnh 4Khu vực bị sạt lở. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Ông Hồ Thế Nhu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Long Hồ cho biết, ngay sau khi sạt lở xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện và chính quyền xã Hòa Ninh đã nhanh chóng có mặt chỉ đạo công tác khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”. Theo đó, huyện và xã đã huy động lực lượng quân sự, công an và các lực lượng khác hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.

Vĩnh Long: Khảo sát, nghiên cứu hướng khắc phục sạt lở bờ sông Cổ Chiên ảnh 5Người dân di dời đồ đạc đến nơi an toàn. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Để đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực, địa phương đã thông báo, vận động người dân không ở lại trong phạm vi sạt lở, cử lực lượng thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sạt lở tại khu vực này. Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện và xã đã hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng về chỗ ở, tiền và các nhu yếu phẩm, đồng thời nghiên cứu đề xuất bố trí chỗ ở đối với những hộ có nhà và đất bị sụp hoàn toàn xuống sông.

Lê Thúy Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm