Vĩnh biệt Giáo sư Võ Tòng Xuân - Người đặt nền móng cho nền Nông nghiệp nước nhà

Vĩnh biệt Giáo sư Võ Tòng Xuân - Người đặt nền móng cho nền Nông nghiệp nước nhà

Theo thông tin từ gia đình, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Anh hùng Lao động, Hiệu trưởng Danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ đã qua đời vào hồi 7 giờ 27 phút, ngày 19/8 tại Bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau một thời gian lâm trọng bệnh, hưởng thọ 84 tuổi. Dự kiến, tang lễ sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ thành phố Cần Thơ, sau đó đưa về an táng tại quê nhà An Giang.

0G9A0989cp1.jpg
Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Anh hùng Lao động, Hiệu trưởng Danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ, tháng 8/2023. Ảnh: Trọng Chính

Rời cõi tạm ở tuổi xưa nay hiếm, theo lẽ sinh tử, song sự ra đi của Giáo sư Võ Tòng Xuân - Người đặt nền móng cho nền Nông nghiệp nước nhà vẫn để lại nhiều nuối tiếc cho cộng đồng yêu khoa học cũng như người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Giáo sư Võ Tòng Xuân sinh ngày 6/9/1940, tại xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nhắc đến Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Võ Tòng Xuân là nhắc đến chuyên gia hàng đầu, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu về nông nghiệp của Việt Nam; là chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực cho các nước trong khu vực. Ông còn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không chỉ trong nước mà còn thế giới.

Từ thành tựu của việc nghiên cứu, lai tạo ra những giống lúa như Thần Nông, IR36, IR33, IR64..., Giáo sư Võ Tòng Xuân đã góp phần rất lớn tạo ra ngân hàng giống lúa uy tín và chất lượng cho Việt Nam cũng như thế giới, giúp Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vựa lúa gạo lớn và chất lượng hàng đầu thế giới.

0G9A1044cp1.jpg
Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân trả lời phỏng vấn các phóng viên ngay trên bờ ruộng của ông Nguyễn Văn Một ở ấp Tân An, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, tháng 8/2023. Ảnh: Trọng Chính

Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng Cử nhân Hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đặt tại Philippines. Năm 1971, với tình yêu khoa học và khát khao cống hiến cho đất nước, ông đã từ bỏ vị trí công việc với mức lương mơ ước để trở về Việt Nam và làm việc tại Viện Đại học Cần Thơ; đến năm 1975 lấy bằng Tiến sĩ tại Nhật Bản.

Chia sẻ về quyết định này, sinh thời, ông từng bộc bạch: Đơn giản muốn về Việt Nam để có thể đào tạo cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu và cán bộ khuyến nông, giúp Đồng bằng sông Cửu Long có thể phát triển được cây lúa.

0G9A0590cp1.jpg
Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân thăm Tập đoàn Sunrice (Australia), đối tác tham gia dự án "Chuỗi giá trị gạo bền vững cho nông hộ nhỏ tại ĐBSCL", tháng 8/2023. Ảnh: Trọng Chính
0G9A0373.JPG
Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân trao đổi với các đối tác tham gia dự án "Chuỗi giá trị gạo bền vững cho nông hộ nhỏ tại ĐBSCL" tại Trường ĐH An Giang, tháng 8/2023. Ảnh: Trọng Chính

Với vai trò là nhà khoa học, nhà giáo, ông đã cống hiến hết mình, tâm huyết truyền dạy kiến thức trong từng bài giảng, từng công trình nghiên cứu. Là đại biểu Quốc hội, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã đóng góp nhiều ý kiến quý giá góp phần cùng Nhà nước đề ra những quyết sách mang tính vĩ mô, định hướng nền nông nghiệp trong giai đoạn đổi mới.

Từ sự đóng góp của ông và các cộng sự, hệ thống canh tác của vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên cũng như nền nông nghiệp vùng đồng bằng nói chung được "chắp cánh".

0G9A0298cp1.jpg
Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân trao đổi với các đối tác tham gia dự án "Chuỗi giá trị gạo bền vững cho nông hộ nhỏ tại ĐBSCL" tại Trường ĐH An Giang, tháng 8/2023. Ảnh: Trọng Chính
0G9A0470cp1.jpg
Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cùng các đối tác tham gia dự án "Chuỗi giá trị gạo bền vững cho nông hộ nhỏ tại ĐBSCL" tại Trường ĐH An Giang, tháng 8/2023. Ảnh: Trọng Chính

Cũng từ uy tín của mình, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã kêu gọi, vận động nhiều nhà khoa học Hà Lan sang Việt Nam với khát vọng "ngọt hóa" đồng bằng, biến vùng đất nhiễm phèn nặng của vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên trở thành vùng sản xuất lúa lớn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Nhà khoa học Võ Tòng Xuân còn nỗ lực nghiên cứu, cố vấn để kết hợp nhiều mô hình sản xuất, phù hợp với đặc thù từng tỉnh, vùng và khu vực, giúp nông dân làm giàu và quyết tâm bám rộng, vườn; đặc biệt, góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và quốc tế.

0G9A0981cp1.jpg
Những khoảnh khắc của Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân khi trả lời phỏng vấn các phóng viên ngay trên bờ ruộng của ông Nguyễn Văn Một ở ấp Tân An, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, tháng 8/2023. Ảnh: Trọng Chính
0G9A0968cp1.jpg
0G9A0939cp1.jpg

Cả cuộc đời làm khoa học, đóng góp không mệt mỏi cho nông nghiệp nước nhà, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã vinh dự được Chính phủ Nhật Bản trao Huân chương Mặt trời mọc, Tia sáng vàng và Ruy Băng Cổ (tháng 4/2022); nhận Giải thưởng VinFuture với công trình “Phát minh và phổ biến giống lúa kháng rầy” vào tháng 12/2023. Ông là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng danh giá này; được vinh danh do có những đóng góp quan trọng trong việc phổ biến giống lúa kháng rầy, đồng thời có nhiều công trình giúp nông dân thế giới có được những giống lúa tốt, giúp cải tạo đất, tạo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Không chỉ là nhà khoa học dành cả cuộc đời mình cho đồng ruộng, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân còn là nhà giáo dục đầy tâm huyết. Ông từng đảm nhiệm nhiều trọng trách như Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, sáng lập và là Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học An Giang; Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ; đại biểu Quốc hội khóa II, III, IV.

Giáo sư Võ Tòng Xuân sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ về tinh thần học tập suốt đời, sự tận tụy cống hiến cho khoa học và chinh phục những đỉnh cao của tri thức không ngừng nghỉ./.

vna_potal_nhung_cong_hien_cua_giao_su_vo_tong_xuan_cho_su_phat_trien_cua_nong_nghiep_viet_nam_7546255.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng lao động, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học uy tín, được cả nước và quốc tế biết đến, với những công trình nghiên cứu quan trọng về nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực lúa gạo và phát triển cây trồng. Ông là người tiên phong trong việc áp dụng các phương pháp canh tác mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần nâng cao đời sống của người nông dân; là nhà khoa học Việt Nam nhận được nhiều danh hiệu, phần thưởng lớn trong nước và quốc tế. Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng lao động, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân qua đời sáng 19/8/2024, ở tuổi 84.

Ánh Tuyết

Có thể bạn quan tâm