Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp, Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ có ý nghĩa đặc biệt, giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của rừng. Về kinh tế, rừng không chỉ mang lại nguồn thu từ lâm đặc sản, dịch vụ môi trường rừng như hiện nay mà còn là nguồn được chi trả giảm phát thải do bảo vệ và phát triển rừng mang lai.
Đây là chương trình được chi trả sau khi kết quả thẩm định minh bạch nên nguồn kinh phí để thực hiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ cần được bố trí từ các chương trình/dự án bảo vệ và phát triển rừng hiện có.
![]() |
Khu rừng ngập mặn được bảo tồn ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN |
Văn kiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ được thiết kế dựa trên các yêu cầu: giải quyết các nguyên nhân gây mất rừng và suy thoái rừng; phù hợp và đóng góp vào các chiến lược và chính sách quốc gia; chi trả dựa trên kết quả; tự ứng trước để đầu tư thực hiện… Văn kiện có 4 hợp phần, 10 tiểu hợp phần và 28 hoạt động chính.
Nếu văn kiện được Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (thay mặt Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp) sẽ thương thảo và ký kết Hiệp định chi trả Giảm Phát thải (ERPA) để thực hiện chương trình. Đây sẽ là hoạt động quan trọng góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về REDD+, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, đồng thời thể hiện trách nhiệm và nỗ lực giảm phát thải khí nhà kinh ở Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
![]() |
Người dân chuẩn bị cây giống để vận chuyển đến địa điểm trồng rừng. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN |
Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Diện tích rừng của 6 tỉnh này bao gồm gần như toàn bộ diện tích rừng lá rộng thường xanh hiện nay của Việt Nam và một số khu vực đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu. Vùng Bắc Trung bộ có độ che phủ rừng là 57% (2,9 triệu ha), trong đó 74% là rừng tự nhiên (2,1 ha).