Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Washington, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook (Pi-tơ Cúc) nhấn mạnh Mỹ quan ngại về những chuyến bay này cũng như các hành động của Trung Quốc tại các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông. Bất cứ động thái nào như việc tìm cách quân sự hóa hay xây dưng đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ chỉ gây thêm bất ổn trong khu vực. Quan chức này đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có một giải pháp ngoại giao cho các vấn đề trên.
Trong ảnh (tư liệu): Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại thủ đô Washington ngày 16/11/2015. AFP/TTXVN |
Trong cuộc báo chung với người đồng cấp Phillippines Albert del Rosario (An-bớt đen Rô-xa-ri-ô), Ngoại trưởng Anh Philip Hammond (Phi-líp Ham-mơn) đang ở thăm Phillippines khẳng định vấn đề tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông là “không thể thương lượng” và bất kỳ hành động nào cản trở hoạt động hàng hải và hàng không trên Biển Đông được xem là “ranh giới đỏ đối với Anh”. Ông Hammond cũng khẳng định Anh sẽ tiếp tục các biện pháp bảo đảm quyền tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Rosario bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tiến hành hoạt động bay thử nghiệm trên đường băng mà Bắc Kinh mới xây dựng ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Ông khẳng định đây là hành động “không thể chấp nhận được”.
N gày 6/1/2016, hai máy bay dân sự cỡ lớn của Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Về hành động này của Trung Quốc, ngày 7/1/2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố: “Một lần nữa Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp.
Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế”./.