Vị thế mới của phụ nữ dân tộc thiểu số

Nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng có dân số trên 1,3 triệu người, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ 49,6%. Những năm vừa qua, công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc đã có nhiều chuyển biến đáng kể, tạo cơ hội để phụ nữ dân tộc cùng tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương…

vi the H4a.JPG
Chị Rolan Cơ Liêng, người Cill ở huyện Lạc Dương tiên phong làm du lịch, quảng bá hình ảnh của buôn làng K’ho. Ảnh: Nguyễn Dũng

Theo Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ phụ nữ, trong đó có phụ nữ dân tộc thiểu số. Tại các văn bản này, công tác truyền thông được chú trọng, cụ thể là các hoạt động triển khai tọa đàm, hội thảo, tập huấn, hội thi dưới hình thức sân khấu hóa chuyển tải thông điệp về vai trò của nữ giới, quyền bình đẳng của phụ nữ; xây dựng các chuyên mục, tin, bài tuyên truyền về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ…

vi the H9.JPG
Phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng ngày càng tự tin, khẳng định vị thế của mình trong đời sống xã hội. Ảnh: Nguyễn Dũng
vi the H5.JPG
Với nghị lực vươn lên mạnh mẽ, không ít phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng đã thành công trong cuộc sống và có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Ảnh: Nguyễn Dũng

Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, Lâm Đồng còn chú trọng nâng cao khả năng đóng góp của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội. Mới đây, phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số” do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Lâm Đồng tổ chức, bà Cil Bri - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng thông tin: Hội LHPN các cấp đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình sinh kế, hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2017 tới nay, Hội LHPN các cấp đã hỗ trợ gần 600 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với tổng số vốn trên 2,8 tỷ đồng; phối hợp, hỗ trợ thành lập 10 hợp tác xã, 47 tổ hợp tác và 26 tổ liên kết do phụ nữ quản lý; trao 223 mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trị giá trên 1 tỷ đồng.

vi the H3.JPG
Nghệ nhân ưu tú Touneh Ma Bio, người Chu Ru ở huyện Đơn Dương là một trong những điển hình trong công tác bảo tồn, giới thiệu văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ảnh: Nguyễn Dũng
vi the H2.JPG
Công tác bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến đáng kể, tạo cơ hội để phụ nữ dân tộc cùng tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ảnh: Nguyễn Dũng
10-dang tuan-lam dong-phu nu huyen Dam Rong.jpg
Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Đam Rông đưa mô hình trồng dâu nuôi tằm vào sản xuất để phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyễn Dũng

Xác định đúng đắn tầm quan trọng của yếu tố giới, những năm qua, công tác bình đẳng giới ở Lâm Đồng đã được các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức, đồng đều trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước được trẻ hóa, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. Đây cũng là cơ hội để phụ nữ nói lên tiếng nói đại diện cho giới mình, phát huy được năng lực, vai trò, trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số. Hiện tại, 142/142 xã, phường, thị trấn ở Lâm Đồng đều đã có đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Nhờ đó, Luật Bình đẳng giới đã nhanh chóng lan tỏa đến từng cộng đồng dân cư làm thay đổi hành vi của cả cộng đồng.

Nguyễn Dũng

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm