Có điện đường trường trạm nhưng không có… đất
Ông K Giàng, một người dân sống tại thôn 4, xã Đắk Plao cho biết đến nay gia đình ông vẫn chưa thể canh tác trên diện tích đất được cấp để tái định canh. Nguyên do là một số hộ dân nói rằng diện tích đất đã cấp cho gia đình ông là của họ và Nhà nước chưa đền bù nên họ không bàn giao. “Chúng tôi được cấp đất mà không thể sản xuất vì đụng đến là dễ xảy ra xô xát. Trồng cây trên đó cũng chắc gì thu hoạch vì người ta đâu để yên. Thành ra gia đình tôi bây giờ rất khó khăn, phần do thiếu đất sản xuất phần do thiếu nước sinh hoạt” – ông K Giàng chia sẻ.
Nhìn từ xa, khu tái định cư Đắk Plao như một khu đô thị giữa đại ngàn Tây nguyên |
Còn ông Quan Văn Ngữ, một hộ dân ngụ tại thôn 3 cùng xã cho biết gia đình ông cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Rất nhiều hộ dân trong khu vực này đến giờ này, sau 6 năm chuyển đến khu tái định cư vẫn chưa ổn định được sản xuất. Nhiều hộ dân được cấp đất trên giấy nhưng trên thực địa… không có vì đã bị hộ khác xâm canh. Nhiều hộ khác thì tự khai hoang nhưng đất có độ dốc lớn, lại kém màu mỡ nên chỉ có thể trồng sắn, khoảng 3 vụ thì đất bạc màu, không thể tiếp tục sản xuất.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước, đặc biệt là nước sinh hoạt. Theo một số hộ dân, ban đầu khi mới chuyển đến tái định cư thì nguồn nước dồi dào, đủ sử dụng. Nhưng sau đó thì hệ thống cấp nước bị hỏng. Người dân phải chuyển sang dùng nước suối hoặc khoan giếng. Tuy nhiên, rất nhiều giếng khoan bị nhiễm phèn nặng nên không thể sử dụng.
Đất có độ dốc lớn, kém màu mỡ khiến việc canh tác khó khăn |
Theo UBND xã Đắk Plao, toàn xã hiện có tới 80% hộ dân thuộc diện nghèo. Cách đây 6 năm, hơn 540 hộ dân, chủ yếu là người Mạ, H’Mông với gần 3.000 nhân khẩu đã được chuyển từ xã Đắk Plao cũ lên vị trí tái định cư hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 95 hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 80 ha.
Theo UBND huyện Đắk Glong, thủy điện Đồng Nai 3 là công trình trọng điểm quốc gia. Để phục vụ thi công công trình, huyện đã phối hợp với chủ đầu tư di dời toàn bộ dân xã Đắk Plao từ vị trí cũ lên vị trí mới hiện nay. Các vấn đề liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định canh, định cư là một khối lượng công việc khổng lồ và rất lớn so với một bộ máy chính quyền cấp huyện còn mới mẽ như Đắk Glong vào thời điểm đó (huyện Đắk Glong được thành lập vào năm 2005). Về cơ bản, khu tái định cư Đắk Plao được quy hoạch ổn định, có hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản, điện đường trường trạm đầy đủ. Người dân tái định cư được cấp nhà ở khang trang, kiên cố, vững chắc. Tuy nhiên, đến nay vấn đề đất tái định canh vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn nên đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn.
Nước sinh hoạt là một trong số các khó khăn lớn nhất của người dân khu tái định cư Đắk Plao |
6 năm, ngổn ngang nhiều vấn đề
Cũng theo UBND huyện Đắk Glong, tổng diện tích đất cần cấp cho các hộ dân khu tái định cư Đắk Plao là 514 ha. Hiện tại, quỹ đất nông nghiệp cấp cho khu vực này đang có tổng cộng 257 ha, tức chỉ mới đáp ứng khoảng 50%. Đáng chú ý hơn, trong số 257 ha, có một diện tích khá lớn đang bị xâm canh, lấn chiếm nên chưa thể bố trí cho dân. Con số cụ thể thì huyện đang phối hợp với chủ đầu tư để thống kê, rà soát và lên phương án xử lý.
Bên cạnh đó, chất lượng đất sản xuất cũng là vấn đề đáng quan tâm. Để phục vụ tái định canh cho dân, đơn vị chủ đầu tư đã tiến hành khai hoang 650 ha đất cấp cho dân theo quy định. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, chỉ có 164 ha (tức chỉ chiếm khoảng 25%) đất đủ điều kiện để sản xuất nông nghiệp, số còn lại phải chuyển sang trồng rừng sản xuất do đất dốc, đồi trọc, khô cằn, không có nước tưới.
Nhiều căn nhà khang trang bị bỏ hoang |
Do thiếu đất sản xuất và nguồn nước sinh hoạt khó khăn, hiện có gần 50 hộ dân thuộc diện di dời về khu tái định cư mới vẫn ở lại chỗ cũ. Bên cạnh đó, hàng chục hộ dân về khu tái định cư sinh sống một thời gian cũng đã bỏ đi.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong cho rằng khâu phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định canh định cư giữa UBND huyện và chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án thủy điện 6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn nhiều lúc còn chưa nhịp nhàng. Kết quả là đời sống người dân sau 6 năm vẫn chồng chất khó khăn, trong khi tổng kinh phí cho dự án tái định cư Đắk Plao lên đến 800 tỷ đồng, tức bình quân khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi hộ, một con số khổng lồ đối với một khu vực còn nhiều khó khăn như xã Đắk Plao.
Thêm nữa, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho khu tái định cư đến nay vẫn còn nhiều… tồn tại. Ông Lê Quang Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết đơn thư khiếu nại của các hộ dân, chủ doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này ngày càng nhiều. Tiêu biểu là Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Thuận. Đây là đơn vị có hơn 160 ha đất thuộc diện thu hồi để xây dựng khu tái định cư Đắk Plao. Sở dĩ có tình trạng này là một số khâu trong kiểm kê hiện trạng làm chưa chặt chẽ nên đến nay chưa thể giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, việc quản lý quỹ đất định canh còn lỏng lẽo nêu xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm tự phát, muốn thu hồi để cấp đúng đối tượng rất khó khăn.
Theo thời gian, những ngôi nhà tại Đắk Plao đã xuống cấp nghiêm trọng. |
UBND tỉnh chỉ đạo tập trung giải quyết
Để giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại liên quan đến dự án thủy điện Đồng Nai 3 nói chung và khu tái định cư xã Đắk Plao nói riêng, đầu tháng 6 vừa qua, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu UBND huyện Đắk Glong, Ban Quản lý dự án thủy điện 6 và các đơn vị liên quan vào cuộc quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Theo đó, khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đủ điều kiện; chuyển đổi diện tích không đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp sản đất lâm nghiệp; tuyên truyền, vận động các hộ dân lấn chiếm đất trái phép trả lại đất cho Nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng cố ý làm trái, tiến hành cưỡng chế nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo không để dân sinh sống tại khu Đắk Plao cũ (hiện thuộc vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng). Yêu cầu Ban Quản lý dự án thủy điện 6 phối hợp với UBND huyện Đắk Glong giải quyết dứt điểm việc bồi thường cho các hộ dân có đất thuộc diện thu hồi phục vụ dự án. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ lương thực cho dân trong thời gian bố trí đất tái định canh.
Đường sá nhiều nơi cũng bắt đầu hư hỏng, xuống cấp |
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc di dân tái định cư các công trình thủy điện đến nơi ở mới phải bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, tại khu tái định cư Đắk Plao, cái “hơn” chỉ là hệ thống điện đường trường trạm và nhà ở. Còn đất sản xuất và nước sinh hoạt, hai yếu tố quyết định thì lại “thua” nơi ở cũ. Liệu hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu có bám trụ được tại đây nếu không có những chính sách hỗ trợ kịp thời, hoặc những chủ trương, chính sách của chính quyền các cấp tỉnh Đắk Nông còn chậm được hiện thực hóa như hiện nay?