Vi phạm nồng độ cồn - Tật xấu gây hậu quả không thể đo đếm!

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Tiền Giang tuần tra, xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Tiền Giang tuần tra, xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Chính phủ dù đã có nhiều quy định với mức phạt cao đối với hành vi lái xe sau khi uống rượu, bia nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, góp phần bảo vệ môi trường sống an toàn, lành mạnh nhưng không ít trường hợp, trong đó có cả cán bộ, công chức vẫn “phớt lờ” quy định rồi ... "vô tình" cướp đi sinh mạng của nhiều người và cả chính mình. Cũng vì vậy mà chưa khi nào dư luận lại quan tâm việc lực lượng chức năng xử phạt vi phạm về nồng độ cồn như hiện nay.

Vi phạm nồng độ cồn - Tật xấu gây hậu quả không thể đo đếm! ảnh 1Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Tiền Giang tuần tra, xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Các báo cáo vừa qua của Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng này đã phát hiện, xử phạt hàng trăm ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Riêng từ ngày 30/8 đến ngày 21/9, các Tổ công tác của lực lượng triển khai ở nhiều địa phương trên toàn quốc đã phát hiện 2.762 trường hợp đi ô tô, mô tô, xe máy điện vi phạm về nồng độ cồn, 31 người không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

Ngày 23/9, các tổ công tác của Cục cũng phối hợp với Công an một số địa phương phát hiện, xử lý 199 người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, một người không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Trong các trường hợp vi phạm đã bị xử lý, đáng lưu ý có cả công chức, viên chức, bộ đội, công an, nhà báo đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, thậm chí có cả giáo viên dạy lái xe...

Kết quả này cho thấy Bộ Công an và chính quyền các địa phương đã thực hiện mạnh mẽ cam kết “không có vùng cấm”, “không ngoại lệ” khi xử lý vi phạm nhằm kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia.

Đánh giá cao lực lượng chức năng nhưng cũng có những câu hỏi từ dư luận, người cán bộ, công chức phải là những người nghiêm chỉnh nhất, chấp hành quy định của Nhà nước tốt nhất, nhưng vì sao họ không đề cao trách nhiệm “nêu gương”, “phớt lờ” rồi vi phạm quy định như trên. Hay bởi niềm tin vào một cơ chế được miễn trừ như trường hợp ông Lê Hải Q, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ông này nhất quyết không “thổi”, rút điện thoại gọi ai đó rồi đòi lực lượng Cảnh sát giao thông phải nghe máy khi bị kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến đường Giải Phóng vào đêm 18/9?

Cần nói rõ, ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Thủ tướng yêu cầu xử lý các vi phạm giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm giao thông; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang rồi đến nhân dân.

Cục Cảnh sát giao thông (C08) cũng đã nhiều lần thông tin xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có vi phạm nồng độ cồn, ma túy theo quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” trong phát hiện, xử lý vi phạm.

Tại Hà Nội, mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh đã có công văn về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia - không lái xe” của nhân dân Thủ đô. Trong đó có nội dung, thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị không để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm.

Vậy nên lý giải nguyên nhân vi phạm về nồng độ cồn của những cán bộ, công chức nói trên, nhiều người nói rằng, đó là do tật xấu khó bỏ. Trong những cuộc vui, nhiều người uống rượu, bia rồi lái xe mà không còn nhớ đến những quy định, chế tài nghiêm khắc, quên vai trò, trách nhiệm “nêu gương” của người cán bộ, công chức Nhà nước.

Uống rượu, bia là thói quen đã phát triển thành thứ sinh hoạt thường nhật ở nước ta nhiều chục năm trở lại đây. Mức tiêu thụ rượu, bia của nước ta cũng rất lớn. Việt Nam xếp thứ 9 thế giới về lượng bia tiêu thụ, chiếm 2,2% mức tiêu thụ toàn cầu năm 2020.

Từ mức tiêu thụ rượu, bia rất lớn này đặt ra những điều đáng suy ngẫm. Mỗi năm ở nước ta có hàng trăm nghìn trường hợp vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động trên ba tiêu chí: mức tiêu thụ bình quân/đầu người quy đổi ra lượng cồn nguyên chất; tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở cả hai giới; sử dụng ở mức nguy hại đều ở mức cao.

Chính vì vậy, giảm, tiến tới loại bỏ nguyên nhân tai nạn giao thông do uống rượu, bia là vô cùng cấp bách. Ước tính ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau.

Vẫn biết để thay đổi một thói quen lâu ngày, khó bỏ và để hình thành thói quen mới là "đã uống rượu bia thì không lái xe", còn khó hơn nhiều. Song khó vẫn phải cương quyết thực hiện. Và thực tế thời gian vừa qua, lực lượng chức năng của ta đã vào cuộc rất quyết liệt. Việc phát hiện và xử lý nhiều người vi phạm nồng độ cồn với những con số nêu trên cho thấy hiệu quả của tính răn đe, làm hạn chế thấp nhất người vi phạm.

Nhưng để tiếp tục sửa bỏ tật xấu này của người dân, trong đó có những cán bộ, công chức làm “ma men sau tay lái”, ngoài ý thức tự giác chấp hành các quy định của chính bản thân mỗi người, đòi hỏi sự quyết tâm mạnh mẽ, những biện pháp đồng bộ hơn nữa. Biện pháp đó như Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng đã nêu rõ: Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Đó mới chính là vấn đề mấu chốt để ngăn ngừa tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường sống an toàn, lành mạnh!

Hạnh Quỳnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm