Sáng 18/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo sơ kết 3 năm thi hành quy định về kiểm soát nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Thạc sỹ Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp, Bộ Y tế cho biết: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Sau hơn 3 năm thi hành, Luật đã đi vào thực tiễn. Luật quy định nhiều nội dung, trong đó có quy định về kiểm soát nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông.
Tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia luôn là vấn đề của toàn xã hội. Tại Việt Nam, rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam ở nam giới từ 15 - 49 tuổi. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% tổng số các trường hợp tai nạn giao thông ở nam giới và 0,7% ở nữ giới. Hơn lúc nào hết, ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia.
Thông tin về kết quả xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn trên các tuyến giao thông, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cần tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật trong ngành Giao thông Vận tải; kiểm tra, đánh giá kết quả đạt được khi thực hiện Luật phòng, chống tác hại của rượu bia; rà soát các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong các năm tiếp theo, đồng thời rút kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn.
Đưa ra số liệu thống kê về tình hình các trường hợp tai nạn giao thông đến cấp cứu liên quan đến sử dụng rượu bia, đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nêu: Trong 3 năm, bệnh viện tiếp nhận 49.803 người bị tai nạn giao thông, trong đó 8.689 ca xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu (17/4%). Áp lực của các bác sỹ là rất lớn khi phải tiếp nhận các ca tai nạn giao thông, nhất là có rượu bia; khó khăn về tình trạng bệnh cần can thiệp khẩn, áp lực từ người nhà, từ các thủ tục hành chính liên quan đến pháp luật, chi phí viện phí khi người bệnh không có khả năng chi trả hoặc thân nhân người bệnh tại thời điểm đưa vào cấp cứu...
Đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhấn mạnh: Rượu bia có ảnh hưởng lớn đến người điều khiển phương tiện giao thông. Ethanol trong máu trên mức 10,9 -21,7 mmol/l đã có thể có những biểu hiện lâm sàng, như đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén, giảm khả năng phối hợp; giảm sự tập trung; giảm tầm nhìn; giảm khả năng phán đoán. Mức ethanol cao hơn có thể gây ức chế thần kinh trung ương hoặc nặng nề hơn nữa có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người sử dụng.
Bệnh viện kiến nghị các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, vận động gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền, thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động cộng đồng; vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư. Đồng thời, cần vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Phúc Hằng