Về miền đất ngọt, lắng tình

Về miền đất ngọt, lắng tình
Không dùng dằng mới là lạ, vì chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để hồn ta lắng lại, phiêu diêu cùng mây chiều, gió núi để lang thang đến với những miền quê của huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) vừa giàu tiềm năng khoáng sản, vừa sáng lên những địa chỉ đỏ như: Phai Khắt, Nà Ngần, hang Kéo Quảng, đền Ông Búa…, và ngẩn ngơ với dòng sông Nguyên Bình bốn mùa đỏ quạch phù sa mà đắp bồi cho những mùa vàng trĩu hạt và những vườn mía vàng ngọt lịm, dâng mật cho đời.

Các cô gái dân tộc hái chè giữa núi rừng Phja Đén
Các cô gái dân tộc hái chè giữa núi rừng Phja Đén
Đã từ lâu lắm rồi, cứ vào độ nắng thu nhuộm vàng đồi núi, rồi tết đến, xuân về cho đến khi cái rét nàng bân ùa tới, loáng thoáng trên cành mận, cành mơ xuất hiện những chùm quả ngậm sương, đung đưa trước gió, có nghĩa là từ tháng 11 năm trước cho tới tháng 3, tháng 4 âm lịch năm sau thì khi đến thị trấn Nguyên Bình, ngày dưng cũng như ngày chợ, hình ảnh đầu tiên làm bạn ngỡ ngàng đó là những hàng mía cây bày bán dài dằng dặc của các mẹ, các chị người Tày Pác  Măn, Nà Goọn, Bó Seo, Bản Nùng…, cây nào, cây nấy thẳng đều tăm tắp, dóng dài gần một gang tay vàng ruộm, óng ả. Ở đấy người bán, người mua mời chào nhau tơi tới, tạo nên một nét riêng độc đáo của phiên chợ vùng cao, để rồi sau đó chỉ cần nhấm nháp đôi khúc nhỏ là hồn ta sẽ theo vị ngọt bay bổng vào đất trời và mua thêm vài dăm bó về làm quà cho người thân. Mía ở đây vừa ngọt, vừa mềm nên không chỉ được bày bán ở chợ huyện mà còn theo ô tô đến các chợ quanh Thành phố, Hòa An, Bảo Lạc… và vượt cả Đèo Giàng, Đèo Gió về xuôi, thực sự tạo thành thương hiệu “Mía Nguyên Bình” hiếm có nơi nào cạnh tranh nổi.

Thấy rõ đây là một thế mạnh, huyện Nguyên Bình đã có những quyết sách hỗ trợ, khuyến khích bà con phát triển cây mía, để cùng với cây chè, cây trúc và miến dong trở thành nguồn lực xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho bà con. Ở thị trấn Nguyên Bình và xã Thể Dục không nhà nào là không trồng mía. Nhà ít cũng vài trăm mét vuông, nhà nhiều 1.500 - 2.000 m2, mỗi vụ thu về từ 60 - 100 triệu đồng. Riêng năm 2014 có nhiều thương nhân từ Thành phố Cao Bằng và huyện Hòa An vào đặt mua cả vườn với giá bình quân mỗi hốc từ 30 - 50 nghìn đồng, thật sự làm cho mía trở thành cây mũi nhọn của huyện Nguyên Bình trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. 

Tạm biệt vùng mía ngọt Pác Măn, Bản Nùng, chúng tôi vượt đèo Cô Lê A lên Phja Oắc, Phja Đén để ngắm những nương chè Ô long và ngắm cánh đồng bậc thang Bản Chang, Bản Đổng. Thật là cảm ơn đất trời, đúng lúc xe vừa lên đến Ký Cảnh nắng bỗng bừng lên, ấm áp làm cho vạn vật như tươi mới, nhẹ nhàng, sáng sủa. Vì đã mấy tuần nay trời lúc nào cũng u ám bởi mưa rét sụt sùi, nên khi gặp nắng vàng bừng sáng cái cảm giác cây cối và lòng người như hòa quyện vào nhau thắm thiết và bỗng thấy chiếc xe như bon nhanh hơn, vào cua cũng mềm mại hơn, vì thế chả mấy chốc chúng tôi đã đứng dưới chân tháp Ăng ten truyền hình trên đỉnh Phja Oắc cao ngót 2.000 m so với mực nước biển, thỏa mãn con mắt khát thèm về một vùng nước non “sơn thủy, hữu tình”, thả mắt xuống cánh đồng Pác Măn rập rờn sóng mía, cánh đồng Bản Chang chập trùng rạ rơm sau vụ thu hoạch và ngắm dòng sông Quang Thành ngoằn ngoèo, uốn khúc như giang tay ôm lấy đất trời mà tận hưởng một vùng quê hương đa màu, đa sắc. Thấp thoáng trong sương là những chòm xóm của người Dao, người Tày, người Nùng nằm cheo leo bên sườn núi, đưa lại cảm giác như đang đi vào một vùng mênh mông, huyền bí, hoang sơ.

Theo truyền thuyết “Báo luông, slao cải” thì cái thuở trời đất còn gần nhau, con người sống hòa mình với thiên nhiên, nhưng rồi trận đại hồng thủy bất ngờ xảy ra, cả con người, muông thú và cây cối đều bị vùi sâu dưới bảy tầng đất, chỉ còn một loại cây màu vàng sống được. Nhưng về sau giống cây này cũng chết lụi dần dần, rồi bị đất đá vùi sâu từ đời này qua đời khác. Một hôm có ông Khổng Lồ vào rừng thấy một mầm cây lạ chồi lên từ một hố sâu hun hút, phát ra một mùi thơm rất đặc biệt. Thấy lạ, ông Khổng Lồ đã đào xuống lấy một khúc về đun nước tắm, tự nhiên thấy người khoan khoái, khỏe mạnh lạ thường và từ khi vứt khúc gỗ đó vào góc nhà tự nhiên ruồi, muỗi khác biến đi đâu hết. Đó chính là một loại gỗ Ngọc Am quý hiếm được xếp vào sách đỏ thế giới mà đồng bào nơi đây vẫn quen gọi là “mạy wác”. Chính vì trong lòng núi của vùng này có cây mạy wác nên mới có ngọn núi “Phja Wác” rồi lâu ngày người ta biến âm đi thành “Phja Oắc” là vậy! Có phải chính từ trong lòng núi Phja Oắc có loài “mạy wác” thơm hương đặc biệt như vậy mà từ các khu ruộng cao đến các cánh đồng vùng thấp do phù sa của các dòng sông, dòng suối vùng này bồi đắp mà làm cho lúa, ngô, khoai sắn và hoa quả ở vùng đất này có vị thơm ngon khác thường. Và cũng từ đó mà cây mía Nguyên Bình vừa vàng đẹp, vừa ngọt giòn, hấp dẫn khách muôn phương! 


 
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm