Vấn đề người di cư: Các nước Trung Âu tuyên bố tăng cường kiểm soát biên giới

Vấn đề người di cư: Các nước Trung Âu tuyên bố tăng cường kiểm soát biên giới
Phát biểu trước báo giới tại Praha (CH Séc), trước thời điểm diễn ra hội nghị cấp cao EU thảo luận về vấn đề di cư và khả năng Anh ra khỏi EU, Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề EU của Séc, ông Tomas Prouza (Thô-mát Prô-da) khẳng định: "Đến giữa tháng 3 tới, nếu dòng người di cư ước tính 1.500-2.000 người tiếp tục đổ về châu Âu mỗi ngày thì rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ đã không thực hiện được những cam kết mà họ đưa ra, và chúng tôi sẽ cần một giải pháp khác để bảo vệ biên giới châu Âu". 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Latvia Maris Kucinskis trước Hội nghị tại Brussels, Bỉ. AFP/TTXVN
 Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Latvia Maris Kucinskis trước Hội nghị tại Brussels, Bỉ. AFP/TTXVN

Trước đó, Nhóm Bộ tứ Visegrad (gồm CH Séc, Slovakia, Ba Lan và Hungary), hiện do Séc làm chủ tịch, cam kết giúp Macedonia và Bulgaria đóng cửa biên giới với Hy Lạp để ngăn chặn dòng người di cư, nếu không đảm bảo được phía biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này sẽ không chỉ khiến Hy Lạp bị "bỏ mặc" với số người di cư đang tăng nhanh chóng mà còn khiến nước này thực sự bị loại khỏi khu vực tự do đi lại Shengen của châu Âu. 

Cho rằng Hy Lạp có thể không bảo vệ được đường biên giới của khu vực Shengen, Thủ tướng Slovakia Robert Fico (Rô-be Phi-cô) đã đề nghị đưa 300 cảnh sát tới giúp bảo vệ các đường biên giới của Macedonia và Bulgaria với Hy Lạp. 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái), Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koender (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trước Hội nghị EU với các nước Trung Âu về cuộc khủng hoảng người di cư tại Brussels, Bỉ ngày 18/2. AFP/TTXVN
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái), Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koender (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trước Hội nghị EU với các nước Trung Âu về cuộc khủng hoảng người di cư tại Brussels, Bỉ ngày 18/2. AFP/TTXVN

Tháng 11 năm ngoái, Đức đã giúp thúc đẩy một thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó Ankara đồng ý giúp ngăn chặn dòng người di cư sau khi nhận được khoản trợ giúp 3 tỷ euro từ Berlin nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư. Tuy nhiên, theo một kế hoạch khác do Thủ tướng Angela Merkel đề xuất, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia trung chuyển của người di cư trước khi vào các nước Tây Âu khác - sẽ đóng cửa biên giới và sau đó đưa toàn bộ người di cư chủ yếu đến từ Syria và Iraq tới EU, nơi họ sẽ được cư trú theo hệ thống phân bổ hạn ngạch, một sáng kiến mà cho đến nay hầu hết các nước thành viên EU không mấy nhiệt tình ủng hộ.

Theo số liệu thống kê, năm 2015, hơn một triệu người di cư tới EU khiến lục địa này rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ Đại chiến thế giới lần thứ Hai.

Liên quan đến vấn đề người di cư, ngày 17/2, các lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp đã phát hiện xác một cậu bé 4 tuổi chết trên chiếc thuyền lênh đênh trên vùng biển Aegean. Theo thông tin ban đầu, cậu bé được xác nhận là người Afghanistan, bị chết trên chiếc thuyền ở đảo Chios (Chi-ốt), Hy Lạp. Gia đình của cậu bé nằm trong số 600 người vượt biển đã tới hòn đảo này ngày 17/2, một ngày sau khi Athens lập cơ sở điều phối người di cư tới nước này. 

Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini (thứ hai, trái), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (thứ 5, trái), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (thứ 6, trái) chụp ảnh chung với các lãnh đạo khu vực Tây Balkan tại Hội nghị EU với các nước Trung Âu về cuộc khủng hoảng người di cư tại Brussels, Bỉ ngày 18/2. AFP/TTXVN
Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini (thứ hai, trái), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (thứ 5, trái), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (thứ 6, trái) chụp ảnh chung với các lãnh đạo khu vực Tây Balkan tại Hội nghị EU với các nước Trung Âu về cuộc khủng hoảng người di cư tại Brussels, Bỉ ngày 18/2. AFP/TTXVN

Hy Lạp, quốc gia phải đón hơn 800.000 người di cư vượt biển tới một số đảo trên biển Aegean, đã đối mặt với những lời chỉ trích từ EU về cách xử lý cuộc khủng hoảng di cư. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, chỉ tính từ đầu năm 2016, hơn 300 người chết khi cố tình vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp, trước khi vào các nước châu Âu khác./.
TTXVN

Có thể bạn quan tâm