Vải thiều Việt Nam được bày bán tại siêu thị Thanh Bình Jeune |
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Ngô Minh Đường, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình Jeune, cho biết lô hàng đầu tiên gần 600 kg đến Pháp ngày 4/6 đã được bán hết trong vòng chưa đầy 3 ngày. Lô thứ hai có trọng lượng tương đương đến sau một tuần hiện đang được tiêu thụ rất tốt. Với mức tiêu thụ như vậy, công ty sẽ tiếp tục nhập khẩu thêm hai lô hàng nữa trong tháng sáu đưa tổng trọng lượng vải thiều nhập khẩu vào Pháp trong vụ mùa này là 2-3 tấn vải thiều.
Theo ông, lô đầu tiên, quả vải chưa ngọt lắm do thu hoạch vào đầu mùa. Lô thứ hai, quả vải ngọt sắc do đã vào chính vụ, chính vì vậy rất được khách hàng ưa chuộng. Ông hy vọng rằng trái vải nhập khẩu trong hai lô hàng còn lại sẽ tiếp tục có vị ngọt, cùi dày và mọng nước.
Ông Ngô Minh Đường, Tổng Giám đốc công ty Thanh Bình Jeune trao đổi với khách hàng. |
Tại siêu thị Thanh Bình Jeune, vải được cắt sát cuống, đóng trong túi ni lông và được bán với giá 9,9 euro/kg. Giá này khá cao so với các loại trái cây trồng trên đất Pháp hoặc nhập khẩu từ các nước lân cận như táo, cerise, dưa vàng, mơ, mận, cam, quýt… Mặc dù vậy, quả vải vẫn bán khá chạy do nhiều Việt kiều tại Pháp khi biết tin qua hệ thống thông tin trong cộng đồng đã cất công tìm đến các siêu thị thuộc hệ thống phân phối của Thanh Bình Jeune để tìm mua trái vải Việt Nam. Ngoài bà con Việt Kiều, lô hàng thứ nhất đã được giới thiệu rộng rãi với người tiêu dùng Pháp nhân ngày hội hữu nghị Việt-Pháp tổ chức ngày 6/6 tại thành phố Montreuil, ngoại ô Paris.
Ông Ngô Minh Đường cũng cho biết để có được trái vải trông tươi, vỏ màu hồng nhạt giữ được vị ngọt dịu mát trên đất Pháp là một kỳ công. Từ khi thu hoạch đến khi được bày bán trên các kệ hàng tại siêu thị tại Pháp tất cả phải được hoàn thành trong vòng 48 giờ với nhiều công đoạn khác nhau: sau khi hái phải lựa chọn những quả tươi ngon, mặt ngoài sần sùi, trong vòng 4 giờ phải xử lý xông hơi lưu huỳnh để diệt nấm và sâu bọ trên vỏ nhằm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đối với hoa quả khi nhập khẩu vào châu Âu ; sau đó lựa chọn lần hai, loại bỏ những quả bị thâm, trước khi xếp vào hộp các tông nhỏ với trọng lượng 2kg/hộp rồi xếp vào thùng lớn chở lên sân bay Nội Bài. Theo ông, thủ tục hải quan hiện đang là một vấn đề, vì các thùng vải bị phơi dưới trời nắng từ 3-4 giờ làm quả vải mau khô, dễ hỏng. Khi đi cùng lô hàng đầu tiên được vận chuyển từ Việt Nam sang Pháp trên chuyến bay của Vietnam Airlines, ông đã chứng kiến cảnh các thùng hoa quả bị phơi dưới nhiệt độ 42°C.
Người dân Pháp hỏi mua vải thiều Việt Nam nhân Ngày hội hữu nghị đoàn kết Việt-Pháp |
Về cước phí vận chuyển, ông Ngô Minh Đường cho biết hiện tại Tổng công ty hàng không Việt Nam hỗ trợ 20% cước phí, sự hỗ trợ này đã giúp giảm chi phí vận chuyển, nhưng tính chung, giá bán vẫn buộc phải cao vì phải bù đắp nhiều loại chi phí. Về khả năng vận chuyển hàng sang bằng đường tàu biển ông cho biết nếu nhập một container thì cần một khối lượng lớn vải với chất lượng đồng đều được tập kết cùng một lúc để xử lý và đóng hàng. Tuy nhiên, điều này hiện nay chưa thực hiện được do không dễ để kiếm số lượng lớn vải với chất lượng đồng đều, vì thế kế hoạch này sẽ phải đợi đến mùa vải 2016.
Liên quan đến chất lượng quả vải, ông cho biết điều này phụ thuộc vào giống cây. Hiện tại, ở Việt Nam có gần 30 họ vải khác nhau vì thế dẫn đến chất lượng không đồng đều. Đây cũng là trăn trở của ông Michel Jahiel, kỹ sư nông học, chuyên gia về các loại quả khi đến Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật xông hơn lưu huỳnh để quả vải đủ điều kiện xuất khẩu đi Pháp.
Ông cũng đề cập đến việc xây dựng thương hiệu vải thiều Việt Nam đồng thời nhấn mạnh việc phải tìm được nguồn hàng có chất lượng thật ngon, khác với những gì thị trường Pháp đã có như vải của Trung Quôc, Thái Lan và Israel.
Ông cũng cho biết, sau trái vải, công ty Thanh Bình Jeune sẽ phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp để nhập khẩu nhãn Hưng Yên. Ông cũng bày tỏ tin tưởng vào khả năng xuất khẩu hoa quả Việt Nam sang thị trường Pháp nếu hoa quả được xử lý kỹ thuật để được bảo quản trong dài ngày. Theo ông, trái vải, trái nhãn cũng như nước mắm Phú Quốc, cần được xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng biết được nguồn gốc xuất xứ, tạo uy tín và tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm của Việt Nam.