Khi được tiêm cho phụ nữ mang thai ở giai đoạn nửa sau thai kỳ, vaccine thử nghiệm ngừa virus hợp bào hô hấp (RSV) của hãng dược phẩm Pfizer có hiệu quả 82% trong phòng ngừa bệnh chuyển nặng ở trẻ sơ sinh. Kết quả thử nghiệm lâm sàng này đã được công bố ngày 6/4 trên tạp chí New England Journal of Medicine, theo đó xác nhận dữ liệu sơ bộ của nghiên cứu này.
Theo nghiên cứu, vaccine RSVpreF có hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh ở đường hô hấp dưới trở nặng, như nồng độ oxy rất thấp hoặc cần thở máy, ở trẻ sơ sinh trong 90 ngày đầu đời. Kết quả đánh giá tình trạng sức khỏe của 3.570 trẻ sơ sinh cho thấy trong 3 tháng, bệnh nặng xảy ra ở 6 trẻ sơ sinh có mẹ được tiêm vaccine, so với 33 trẻ sơ sinh nhiễm RSV thể nặng có mẹ dùng giả dược.
Vaccine thử nghiệm cũng có hiệu quả 69,4% ngăn ngừa bệnh trở nặng trong 180 ngày đầu đời của trẻ. Theo đó, 19 trẻ sơ sinh có mẹ được tiêm vaccine biến chứng nặng, so với 62 trẻ có mẹ dùng giả dược.
Như vậy, các nhà khoa học cho biết vaccine đã đáp ứng được một trong 2 mục tiêu then chốt của nghiên cứu giai đoạn cuối. Tuy nhiên, vaccine này không đáp ứng được mục tiêu thứ 2 là giảm nhiễm virus RSV thể bình thường ở trẻ sơ sinh.
Tháng 11 năm ngoái, hãng Pfizer đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu đối với vaccine RSVpreF.
Hiện các cơ quan y tế tại cả Mỹ và châu Âu đang xem xét kết quả thử nghiệm vaccine nói trên. Dự kiến vào tháng 8 tới, Cơ quan Quản lý Dược phẩm liên bang Mỹ (FDA) sẽ quyết định về việc cấp phép sử dụng vaccine này của Pfizer. Nếu được cấp phép, đây sẽ là loại vaccine đầu tiên được tiêm cho thai phụ để phòng ngừa RSV cho trẻ sơ sinh.
Các hãng Sanofi và AstraZeneca đang phát triển kháng thể đơn dòng nirsevimab phòng virus RSV ở trẻ sơ sinh. FDA cũng đang xem xét trước khi cấp phép sử dụng vaccine này.
Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, mỗi năm tại nước này có khoảng 58.000 - 80.000 trẻ em dưới 5 tuổi phải nhập viện do nhiễm RSV. Trẻ sơ sinh nằm trong số những nhóm có nguy cơ cao nhất mắc bệnh thể nặng.
Nguyễn Hằng