Hơn một trăm ngàn liều vaccine ngừa COVID-19 đã về tới Việt Nam vào những ngày đầu tiên của Năm mới Tân Sửu. 11 nhóm đối tượng ưu tiên được lựa chọn để tiêm vaccine đầu tiên cũng đã được công bố công khai rõ ràng trước đó. Đây thực sự là niềm vui với các y bác sỹ đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 và cũng là niềm vui của nhân dân cả nước bởi vaccine đã có mặt đúng lúc chúng ta đang ứng phó với một đợt dịch thứ 3 với biến chủng virus SARS- CoV-2 lây lan nhanh hơn và mạnh hơn. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định vaccine phòng COVID-19 giúp chúng ta tiến một bước gần hơn tới mục tiêu vượt qua đại dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Đây cũng là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài, kĩ lưỡng và quyết liệt của Đảng, Nhà nước, ngành y tế trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, bảo vệ an toàn sức khỏe cho cộng đồng và mỗi người dân.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin cho biết, 117.000 liều vaccine vừa về đến Việt Nam. Lô vaccine này được sản xuất thông qua chuỗi cung ứng toàn câù của AstraZeneca. Vào cuối tháng 3/2021 có thể sẽ thêm 1,2 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca về Việt Nam.Hiện nay Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin khác để cung cấp đầy đủ vaccine cho người dân trong năm 2021 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Tiếp cận công bằng, khoa học với vaccine COVID-19
Số vaccine vừa về đến nước ta sẽ được bắt đầu tiêm cho các nhóm đối tượng ưu tiên vào đầu tháng 3/2021. Trước hết là nhóm lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, bao gồm: nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...). Tiếp theo sẽ là nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu trong các lĩnh vực hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...; người mắc các bệnh mãn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ.
Việc tiêm vaccine được thực hiện trên nguyên tắc ưu tiên tiêm người có nguy cơ cao đến người có nguy cơ thấp, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau.
Nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch là những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19 không chỉ ở Việt Nam mà là trên toàn cầu. Họ chấp nhận tình thế rủi ro để điều trị cho bệnh nhân, kể cả những ca nặng nhất; cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Rất nhiều nhân viên y tế trên thế giới đã nhiễm COVID-19 và nhiều người đã mất mạng trong những nỗ lực không mệt mỏi để chống lại căn bệnh này. Do đó, trên toàn thế giới, tính đến đầu tháng 3/2021 có hơn sáu mươi quốc gia đã và có kế hoạch tiến hành tiêm vaccine COVID-19 thì tuyệt đa số đều chọn nhóm nhân viên y tế và nhân viên tham gia phòng chống dịch là nhóm ưu tiên hàng đầu.
Việc lựa chọn tiêm vaccine theo nhóm đối tượng ưu tiên cũng là cách làm thông lệ của tất cả các quốc gia. Bởi trong thực tế không thể có đồng loạt số lượng vacccine cho tất cả dân số. Mỹ bắt đầu tiêm chủng từ tháng 12/2021 , đến ngày 23/2 có 64,4 triệu người được tiêm vaccine COVID-19 là các nhân viên y tế, nhân viên tại các cơ sở điều trị lâu dài, người cao tuổi tại các trung tâm dưỡng lão, các nghị sĩ.
Tại Canada đã có khoảng 1,6 triệu người trên 70 tuổi, nhân viên các cơ sở chăm sóc dài hạn, nhân viên y tế tuyến đầu,những người đang sống và làm việc trong vùng dịch nguy cơ cao được tiêm vaccine COVID-19.
Tại New Zealand ngày 20/2 đã có 12.000 nhân viên kiểm soát biên giới và người thân của họ, nhân viên y tế là những người đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19.
Người cao tuổi, người có bệnh lý nền cũng là đối tượng ưu tiên tiêm vaccine của nhiều nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Mexico, Thái Lan, Malayxia,.... Họ có nguy cơ dễ mắc COVID-19, nguy cơ tử vong cũng cao hơn so với các lứa tuổi khác. Do đó, việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng bệnh đối với người cao tuổi trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 là vô cùng quan trọng.
Bảo vệ các nhóm nguy cơ cao khỏi COVID-19 bằng việc ưu tiên cho họ được tiêm vaccine COVID-19 cũng chính là bảo vệ cộng đồng.
Nhìn chung 11 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 do Việt Nam lựa chọn cũng tương đồng với các nhóm ưu tiên của các nước trên thế giới đã công bố.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Tinh thần là bao phủ vaccnine cho người dân Việt Nam nhưng do điều kiện cụ thể, không thể tiêm ngay toàn dân cùng một lúc nên phải có thứ tự ưu tiên. Do đó, người dân không nên quá sốt ruột về vaccine, bởi Nhà nước đã cam kết nỗ lực hết sức để có đủ số lượng cần thiết, đảm bảo toàn dân được tiêm phòng.
Do đó, hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái mạnh mẽ nhất trong công tác phòng, chống tiến tới đẩy lùi đại dịch COVID-19; ủng hộ và đồng hành thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 - chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của đất nước. Mọi hành động suy bì, tị nạnh sẽ trở nên lạc lõng. . .
Việc tiêm số vaccine đầu tiên cho các nhóm ưu tiên tại nước ta sẽ diễn vào đầu tháng 3/2021. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng khẳng định, quan điểm của Chính phủ là toàn dân sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng hiện nay sẽ ưu tiên cho đối tượng có nguy cơ, hiện chưa triển khai tiêm dịch vụ. Cục Y tế dự phòng phối hợp với Cục Dược cấp phép, lên kế hoạch phân phối và Cục Đào tạo (Bộ Y tế) theo dõi đánh giá hiệu quả. Sẽ không thể tiêm vaccine ồ ạt mà không tiến hành theo dõi. Đây là cách làm khoa học, khôn ngoan nhất để vừa chống dịch, vừa kiểm soát độ an toàn, đảm bảo đưa vaccine COVID-19 an toàn, hiệu quả nhất đến mọi người dân.
Tiêm vaccine vẫn phải tuân thủ 5K
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong năm 2021, Bộ Y tế đảm bảo sẽ cung cấp 90 triệu liều vaccine.
Trong quý 1, dự kiến có 1,3 triệu liều, trong đó 117.000 liều đã về ngày 24/2, số còn lại về trong tháng 3/2021. Quý 2 dự kiến có 9,5 triệu liều và Quý 3 có 25,9 triệu liều; quý 4 có 51,1 triệu liều. Như vậy tổng số là 90 triệu liều.
Hiện có 4 nguồn có thể cung ứng vaccine phòng, chống COVID-19 mà Việt Nam tiếp cận. Đầu tiên là nguồn của COVAX Facility khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để trong năm 2021 có đủ 30 triệu liều này.
“Như vậy, trong năm 2021 chúng tôi đảm bảo không thiếu vaccine”- Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Đối với vaccine trong nước, Bộ Y tế cho biết, các công đoạn thực hiện vẫn đang theo đúng tiến độ. Dự kiến đến năm 2022, Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine. Trong đó, vaccine của Nanogen sắp thử nghiệm giai đoạn 2. Vaccine của IVAC có hiệu quả rất tốt.
Trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ: Chiến lược của chúng ta là “vaccine + 5K”, không vì vaccine mà chúng ta chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu Trần Đắc Phu cũng cho biết: Muốn có miễn dịch cộng đồng thì phải "phủ" vaccine ở mức 60-70% dân số. Trong khi việc tiêm vaccine chưa hẳn đã có miễn dịch ngay, ngoài ra cần đề phòng biến thể của virus. Do vậy, chúng ta vẫn phải áp dụng biện pháp phòng bệnh có hiệu quả theo nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế).
Thanh Giang