Vaccine Cervarix giúp giảm tới 87% nguy cơ ung thư cổ tử cung

Vaccine Cervarix giúp giảm tới 87% nguy cơ ung thư cổ tử cung

Những phụ nữ trẻ từng tiêm vaccine Cervarix ngừa virus gây u nhú ở người (HPV) khi còn ở tuổi thiếu niên có thể hạn chế 87% nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung do chủng virus này gây ra. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Anh mới được công bố trên Tạp chí y khoa The Lancet. Vaccine Cervarix là sản phẩm của công ty dược phẩm GlaxoSmithKline (Anh).

Nghiên cứu do Tổ chức Nghiên cứu Ung thư của Anh tài trợ đã thu thập và phân tích dữ liệu từ tháng 1/2006 - 6/2019 đối với hàng chục nghìn phụ nữ trong độ tuổi 20-64, từng tầm soát ung thư cổ tử cung, trong đó có những người đã tiêm Cervarix sau khi vaccine này được cấp phép sử dụng vào năm 2008.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn 13 năm, chỉ riêng tại Anh có khoảng 28.000 ca được chẩn đoán ung thư cổ tử cung và 300.000 ca được chẩn đoán tiền ung thư cổ tử cung, hay còn gọi là tân sinh trong biểu mô cổ tử cung độ 3 (CIN3). So sánh trong các nhóm đối tượng cùng độ tuổi được chẩn đoán mắc ung thư, số người đã tiêm vaccine ít hơn 450 người so với nhóm chưa tiêm vaccine. Về số người được chẩn đoán CIN3, số người đã tiêm vaccine ít hơn tới 17.200 người so với những trường hợp chưa tiêm phòng ở cùng nhóm tuổi.

Nghiên cứu cũng nhận thấy trong số những người trong độ tuổi 20 đã được tiêm phòng, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở những người từng tiêm trong giai đoạn 12-13 tuổi ít hơn 87% so với những người chưa tiêm phòng. Mức chênh lệch này ở những người đã tiêm phòng trong độ tuổi từ 14-16 là 62%, trong độ tuổi từ 16-18 là 34%.

Nghiên cứu nhấn mạnh thêm rằng tỷ lệ tiềm ẩn nguy cơ tiền ung thư giảm tới 97% ở những người đã tiêm phòng vaccine Cervarix khi ở độ tuổi từ 12-13.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh những phát hiện mới nói trên "sẽ trấn an nhiều người còn đang do dự về lợi ích của việc tiêm phòng HPV."

Đồng tác giả nghiên cứu, bà Kate Soldan tại Cơ quan An ninh Y tế Anh bày tỏ hy vọng những kết quả phân tích này sẽ tăng cường nhận thức của phụ nữ, giúp họ hiểu rằng việc thành công của chương trình tiêm chủng không chỉ dựa vào hiệu quả của vaccine mà còn căn cứ cả vào tỷ lệ người tiêm vaccine. Theo các chuyên gia, do trường hợp mắc ung thư cổ tử cung ở trẻ em gái rất hiếm gặp, do đó cần theo dõi cả quá trình trưởng thành mới xác định được hiệu quả của vaccine.

Vaccine Cervarix có tác dụng phòng ngừa 2 chủng HPV, vốn gây ra khoảng 70%-80% trong tổng số ca ung thư cổ tử cung. Kể từ tháng 9/2012, vaccine Gardasil của hãng dược Merck & Co - có tác dụng phòng ngừa 4 chủng HPV có khả năng gây ung thư cổ tử cung và ung thư đầu cổ - đã được sử dụng tại Anh thay cho vaccine Cervarix. GSK cũng ngừng bán Cervarix tại Mỹ do nhu cầu sử dụng loại vaccine này giảm.

Minh Tâm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm