Phụ nữ được bác sĩ khám sức khỏe sàng lọc trước tiêm. Ảnh: vnvc.vn |
Phát biểu tại Lễ ký kết, Tiến sỹ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, sử dụng tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm có vắc –xin phòng bệnh và đã được sử dụng rộng rãi ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhờ vắc-xin và Chương trình tiêm chủng mở rộng, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểu được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Bởi vậy tiêm chủng phòng bệnh được coi là biện pháp phòng bệnh mang tính nhân văn trên phạm vi toàn cầu, đã góp phần tích cực bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo an ninh y tế toàn cầu. Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, kết quả từ những nghiên cứu quốc tế cũng khẳng định rằng nếu có thể kết hợp tốt giữa việc bảo đảm cung cấp đủ các liều vắc-xin HPV cho trẻ em gái vị thành niên đồng thời đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ sàng lọc ung thư cổ tử cung và áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp cho tất cả các phụ nữ và trẻ em gái, thì hoàn toàn có thể loại bỏ ung thư cổ tử cung, một vấn đề nổi cộm trong chăm sóc sức khỏe công cộng ra khỏi cuộc sống của con người. Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Công ty Merck Sharp & Dohme (châu Á) tại Việt Nam cam kết hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam và các đối tác khác trong việc triển khai chương tình tiêm chủng HPV. Ông Koen Carel Kruijtbosch, Trưởng đại diện Công ty Merck Sharp& Dohme (châu Á) tại Việt Nam cho rằng: Phát triển các loại vắc-xin giúp bảo vệ sức khỏe công cộng có ý nghĩa lớn lao hơn một quyết định kinh doanh, đó là một sứ mệnh chung. Công ty Merck Sharp& Dohme (châu Á) tiếp tục mang lại thuốc và vắc-xin cho nhiều căn bệnh thách thức nhất của thế giới… Với tổng ngân sách 400.000 USD trong ba năm 2019-2021, mục đích của hợp tác này nhằm đưa ra các bằng chứng có chất lượng giúp xây dựng chính sách và chương trình giải quyết gánh nặng bệnh tật liên quan đến HPV và tạo điều kiện mở rộng chương trình tiêm chủng vắc-xin HPV tại Việt Nam phù hợp với các ưu tiên của ngành y tế địa phương. Hợp tác cũng có nội dung tiên hành truyền thông vận động dựa trên bằng chứng nhằm khuyến khích các bên có liên quan cấp quốc gia và địa phương trong việc giải quyết gánh nặng bệnh tật liên quan đến HPV, bao gồm tạo điều kiện và hỗ trợ mở rộng quy mô tiêm chủng vắc-xin HPV; hỗ trợ xây dựng lộ trình quốc gia về tiêm chủng vắc-xin HPV tại Việt Nam. Ung thư cổ tử cung tiếp tục là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong đối với phụ nữ. Nhiễm HPV là nguyên nhântiên phát gây ung thư cổ tử cung, cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 phụ nữ mỗi năm trên toàn cầu, trong đó 85% sống ở các quốc gia đang phát triển. Hiện nay chưa có thuốc điều trị nhiễm HPV đặc hiệu, chi phí điều trị ung thư cổ tử cung rất tốn kém. Tuy nhiên đã có vắc-xin hiệu quả để phòng ngừa nhiễm HPV, cũng chính là phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh do HPV gây ra. Hiệu quả của vắc xin HPV đạt mức cao nhất khi tiêm cho trẻ em từ 9-15 tuổi.
Nguyễn Hồng Điệp