Vắc xin viêm gan B sơ sinh an toàn và hiệu quả

Vắc xin viêm gan B sơ sinh an toàn và hiệu quả
Bệnh viêm gan vius là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và dẫn đến tử vong do các biến chứng nguy hiểm như suy gan, xơ gan và ung thư gan. Tại Việt Nam, virus viêm gan B lây chủ yếu từ mẹ sang con và virus viêm gan C lây truyền chủ yếu qua đường máu. 

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B tại nước ta chưa cao, thậm chí tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh (24 giờ sau sinh) còn rất thấp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã trao đổi với Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) về nguyên nhân và giải pháp nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B trong cộng đồng. 
 
Vắc xin viêm gan B sơ sinh an toàn và hiệu quả ảnh 1
Trẻ tiêm vắc xin tại Trung tâm y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Phóng viên: Thưa Phó Viện trưởng, thực trạng tiêm vắc xin viêm gan B trong Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta hiện nay thế nào? 

Tiến sỹ Dương Thị Hồng: Vắc xin viêm gan B được Chính phủ cho phép đưa vào triển khai trong tiêm chủng mở rộng từ năm 1997. Những năm đầu triển khai, do kinh phí hạn chế nên chỉ thực hiện ở những vùng nguy cơ cao mắc bệnh. Từ năm 2003-2009, vắc xin viêm gan B được triển khai miễn phí trên toàn quốc cho trẻ dưới 1 tuổi dưới dạng vắc xin đơn liều. Đến năm 2010, vắc xin viêm gan B được triển khai dưới dạng vắc xin phối hợp 5 trong 1 (vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib). Từ năm 2006 đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B đủ 3 mũi ở trẻ dưới 1 tuổi luôn đạt trên 90%. 

Tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh được triển khai trong tiêm chủng mở rộng từ năm 2003. Trong những năm đầu triển khai tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh (2003-2006), tỷ lệ tiêm đạt trên 50%. Trong năm 2007-2008 do ảnh hưởng của một số phản ứng sau tiêm chủng vắc xin viêm gan B đã dẫn đến tâm lý lo ngại của các bậc cha mẹ nên tỷ lệ này đạt dưới 30%. Tuy nhiên, các hội đồng đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng của Bộ Y tế và Sở Y tế cho thấy nguyên nhân không phải do chất lượng vắc xin viêm gan B. 

Từ năm 2008 đến nay với sự nỗ lực không ngừng của ngành y tế, tỷ lệ tiêm đã có nhiều cải thiện: Năm 2015, tỷ lệ này đạt 69,8% và 6 tháng đầu năm 2016 tỷ lệ tiêm trên toàn quốc đạt 30,2%. Những tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp đã tăng cường và tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh tại các bệnh viện đã có nhiều cải thiện.

Phóng viên: Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh (24 giờ sau sinh) hiện vẫn còn thấp, vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, thưa Tiến sỹ? 

Tiến sỹ Dương Thị Hồng: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để giảm tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ 5 tuổi xuống thấp hơn 1%, tiến tới loại trừ bệnh viêm gan B thì cùng với việc duy trì tỷ lệ tiêm 3 mũi vắc xin viêm gan B đạt trên 95%, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh phải đạt trên 90%. 

Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh ở nước ta hiện nay còn thấp, trong năm 2015 tỷ lệ này đạt khoảng 70%, tuy nhiên còn 13 tỉnh tỷ lệ này chỉ đạt dưới 50%. 6 tháng đầu năm 2016 có khoảng 23 tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin này chỉ đạt dưới 30%. Nguyên nhân của thực trạng này là do ảnh hưởng tâm lý sau khi xảy ra một số trường hợp tai biến sau tiêm chủng vắc xin viêm gan B. Mặc dù hầu hết các trường hợp đều đã được các hội đồng tư vấn chuyên môn kết luận do phản ứng trùng hợp và không liên quan đến tiêm chủng cũng như chất lượng vắc xin. Đồng thời, do ảnh hưởng của một số phản ứng sau tiêm chủng nên tâm lý của các cán bộ y tế, đặc biệt tại một số bệnh viện còn ngần ngại khi triển khai tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh. 

Nhiều bậc cha mẹ còn thiếu kiến thức về sự nguy hiểm của virus viêm gan B và tầm quan trọng cũng như hiệu quả của việc tiêm vắc xin viêm gan B mũi sơ sinh cho trẻ; lo ngại về một can thiệp sớm đối với trẻ ngay giai đoạn đầu đời. Đặc biệt, tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn tập quán sinh đẻ tại nhà và không cho trẻ tiếp cận dịch vụ y tế trong tháng đầu sau sinh. Việc này dẫn đến trẻ bỏ lỡ cơ hội được tiêm vắc xin viêm gan B mũi sơ sinh tại cơ sở y tế. 

Phóng viên: Hiện nay, nhiều gia đình vẫn lo ngại không dám cho trẻ tiêm vắc xin viêm gan B, đặc biệt là liều sơ sinh do lo ngại phản ứng nặng sau tiêm chủng. Bộ Y tế có khuyến cáo gì đối với các bậc phụ huynh để phòng chống bệnh viên gan B cho trẻ? 

Tiến sỹ Dương Thị Hồng: Hiện nay, vẫn còn một số bậc phụ huynh e ngại việc tiêm mũi vắc xin viêm gan B sơ sinh cho con mình vì nghĩ rằng những can thiệp như vậy đối với trẻ là quá sớm hay lo ngại các phản ứng nặng sau tiêm chủng có thể xảy ra. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần biết là tiêm vắc xin viêm gan B mũi sơ sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con. Virus viêm gan B không chỉ lây truyền từ mẹ sang con mà còn có nguy cơ lây truyền từ những người xung quanh và người chăm sóc trẻ. Trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B sẽ có nguy cơ trở thành bệnh mãn tính là 90% và khoảng 25% trong số đó sẽ chết vì ung thư gan và xơ gan. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hoặc phải điều trị lâu dài, tốn kém. Tiêm vắc xin viêm gan B là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. 

Tiêm vắc xin viêm gan B ngay sau khi sinh không phải là can thiệp đầu tiên đối với trẻ sơ sinh. Tại các cơ sở y tế trẻ vẫn được tiêm vitamin K ngay sau khi sinh. Vắc xin BCG phòng lao cũng được khuyến cáo nên tiêm sớm sau sinh. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và chỉ đạo của Bộ Y tế, vắc xin viêm gan B cần được tiêm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.Việc tiêm vắc xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao. Với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. 

Vắc xin phòng bệnh viêm gan B là vắc xin an toàn và hiệu quả. Thực tế qua nhiều năm triển khai ghi nhận rất ít các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin viêm gan B. Hầu hết trong số đó đều được hội đồng chuyên môn kết luận do trùng hợp với các nguyên nhân khác. Hiện nay, nhiều bệnh viện đã triển khai tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh đạt tỷ lệ trên 90% và không ghi nhận phản ứng nặng liên quan đến tiêm chủng vắc xin. 

Việt Nam là một trong số các quốc gia có số người mắc viêm gan B cao tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B của Việt Nam khoảng 10-20%. Do vậy, nguy cơ phơi nhiễm với virus viêm gan B, đặc biệt là đối với trẻ là rất lớn. Các bà mẹ hãy tin tưởng và cho con mình tiêm chủng mũi vắc xin viêm gan B sơ sinh để sớm phòng bệnh chủ động cho con em mình. 

Phóng viên: Thời gian tới, để tăng cường tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B trong cộng đồng, ngành y tế có những biện pháp gì? 

Tiến sỹ Dương Thị Hồng: Để có thể giảm tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ 5 tuổi xuống thấp hơn 1%, tiến tới loại trừ bệnh viêm gan B thì cùng với việc duy trì tỷ lệ tiêm 3 mũi vắc xin viêm gan B đạt trên 95%, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh phải đạt trên 90%. 

Chính vì vậy, trong thời gian tới, để đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao đối với vắc xin viêm gan B, đặc biệt là liều sơ sinh cần có sự chỉ đạo của Sở Y tế các địa phương, sự tham gia tích cực của các bệnh viện trong triển khai tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh tại bệnh viện. Bộ Y tế tăng cường tập huấn triển khai tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh cho cán bộ y tế bệnh viện, đảm bảo tiêm chủng an toàn; cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin viêm gan B; bổ sung tủ lạnh bảo quản vắc xin cho bệnh viện, trạm y tế để triển khai tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh. Bộ Y tế sẽ triển khai thí điểm, xây dựng mô hình triển khai tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh tại trạm y tế ở vùng miền núi, khó khăn. Đặc biệt, ngành y tế sẽ phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác truyền thông để các gia đình hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin sớm trong vòng 24 giờ cũng như yên tâm về tính an toàn của vắc xin, tránh bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh sớm cho con mình. 

Phóng viên: Trân trọng cám ơn Phó Viện trưởng! 

Có thể bạn quan tâm