Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN |
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Kim Sang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh Trà Vinh có hơn 1 triệu người, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 31%. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ đã nỗ lực thực hiện chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào Khmer nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh Trà Vinh huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ vùng đồng bào Khmer phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực. Triển khai Chương trình 135, tỉnh đã đầu tư xây dựng 254 công trình hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ gần 2.900 hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng giải ngân gần 2.256 tỷ đồng đầu tư xây dựng gần 400 công trình nông thôn mới; xây dựng hơn 3.600 căn nhà cho hộ nghèo dân tộc Khmer; giải ngân hơn 25 tỷ đồng hỗ trợ gần 790 hộ Khmer phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ hơn 15.000 hộ đồng bào Khmer sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm bình quân 4%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2018, đạt hơn 43,6 triệu đồng/người/năm. Bộ mặt phum sóc có nhiều đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào Khmer được cải thiện đáng kể. Song song đó, tỉnh luôn tạo điều kiện để đồng bào Khmer giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết. Đến nay, toàn tỉnh có 8 trường Dân tộc nội trú, 1 trường Trung cấp Pali- Khmer và Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa Khmer Nam bộ (thuộc Trường Đại học Trà Vinh) thường xuyên đào tạo nguồn cán bộ dân tộc Khmer cho các tỉnh trong khu vực. Toàn tỉnh có hơn 7.000 đảng viên người Khmer; trong đó, nhiều đồng chí được bố trí các chức danh chủ chốt ở các ngành, các cấp. Tuy vậy, để việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh mong muốn trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, Trung ương cần chú ý đến đặc điểm, phong tục, tập quán liên quan đến sinh hoạt, đời sống sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ở từng địa phương để có chính sách phù hợp, khả thi hơn. Đồng thời, Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu ban hành một số chính sách mang tính đặc thù, tập trung, hạn chế tính dàn trải. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh kiến nghị Trung ương ban hành chính sách thu hút sinh viên đồng bào dân tộc Khmer tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác ở xã, nhất là đối với địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer. Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xây dựng hệ thống sách giáo khoa chính thống dùng cho đồng bào dân tộc Khmer, tránh tình trạng sử dụng sách giáo khoa từ những nguồn không chính thống, nội dung không thống nhất, khiến các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá. Trung ương cũng cần có chính sách đào tạo đội ngũ giáo viên dạy chữ Pali, tiếng Khmer cho các trường và quy định biên chế dạy chữ dân tộc. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Dương Châu, Trưởng ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, trong năm nay Trung ương sẽ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc. Đặc biệt, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, việc khảo sát công tác dân tộc tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số là cơ sở để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Đề án phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương, đảm bảo Đề án thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Ông Vũ Dương Châu biểu dương tỉnh Trà Vinh đã làm tốt công tác dân tộc. Thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 10/01/2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trà Vinh đã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa nghiêm túc, kịp thời, triển khai các mô hình đạt nhiều kết quả toàn diện ở các lĩnh vực. Đối với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Trà Vinh, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Thanh Hòa