UNICEF: Trẻ em chịu nhiều tổn thương tâm lý do thiên tai

UNICEF: Trẻ em chịu nhiều tổn thương tâm lý do thiên tai

Hàng chục triệu trẻ em trên thế giới phải di dời chỗ ở do thiên tai cũng đồng thời là nạn nhân của những sang chấn tâm lý khi nhiều em phải xa rời bố mẹ, bị bóc lột... Trên đây là một phần nội dung trong báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), công bố ngày 6/10, về thực trạng trẻ em phải rời bỏ nhà cửa khi các khu vực này hứng chịu thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra trong giai đoạn 2016 - 2021.

UNICEF: Trẻ em chịu nhiều tổn thương tâm lý do thiên tai ảnh 1Sơ tán trẻ em khỏi các khu vực ngập lụt ở tỉnh Balochistan, Pakistan, ngày 26/8/2022. Ảnh: AFP -  TTXVN

Trong báo cáo, nhóm các tác giả đã chia sẻ một số câu chuyện thương tâm và tình cảnh mà trẻ em trên thế giới phải đối mặt do thảm họa thiên nhiên. Bày tỏ quan ngại về sự thiếu hụt quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với những nạn nhân này, bà Laura Healy - đồng tác giả của báo cáo, cho rằng những trẻ em này thường gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần, đặc biệt là những tổn thương tâm lý do bị chia lìa khỏi cha mẹ và người thân hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người.

Theo báo cáo, Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines là 3 nước có số trẻ em nhiều nhất phải di dời khỏi nơi ở của mình, ước tính gần 23 triệu trẻ em trong tổng số 43,1 triệu em trên toàn cầu. Ngoài ảnh hưởng của thiên tai, nguyên nhân khác còn bao gồm quy mô dân số và vị trí địa lý của 3 nước này cũng như do việc triển khai các kế hoạch sơ tán như biện pháp phòng ngừa trước thảm họa.

Tuy nhiên, xét về tỷ lệ, châu Phi và các quốc đảo nhỏ lại ghi nhận tỷ lệ trẻ em phải di dời cao nhất. Ví dụ, quốc đảo Dominica ở khu vực Caribe đã ghi nhận 76% trong tổng số trẻ em của nước này phải di dời vì thiên tai trong giai đoạn nghiên cứu nói trên.

Báo cáo của UNICEF cho biết con số trên chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" do không thể thu thập được một số loại số liệu về hạn hán. Báo cáo nêu rõ, số trẻ em chịu ảnh hưởng nói trên thuộc 44 quốc gia, nơi thường hứng chịu 4 loại thảm họa gồm lũ lụt, bão, hạn hán và cháy rừng. Những thảm họa này xảy ra với tần suất nhiều hơn và nặng nề hơn do hiện tượng nóng lên toàn cầu. 95% số trẻ em phải di dời là do tránh bão và lũ lụt.

Nguyễn Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm