Ứng dụng công nghệ cao "chìa khóa" để ngành cà phê Đắk Lắk phát triển bền vững

Ứng dụng công nghệ cao "chìa khóa" để ngành cà phê Đắk Lắk phát triển bền vững
Giới thiệu hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cà phê tại xã Hòa Thuận - TP. Buôn Ma Thuột.
Giới thiệu hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cà phê tại xã Hòa Thuận - TP. Buôn Ma Thuột.


Từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều chủ trương xung quanh vấn đề “phát triển cà phê bền vững”, đặc biệt là chủ trương “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” (Quyết định số 2724/QĐ-UBND ngày 25-12-2013). Chủ trương này đã dự kiến đưa ra các ứng dụng công nghệ cao đối với phát triển sản xuất cà phê trong thời gian tới như: ứng dụng kỹ thuật trong vườn ươm để tiến hành sản xuất các loại giống cà phê kháng sâu bệnh và cho năng suất cao; sử dụng phân bón sinh học cho cà phê, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cho cà phê; ứng dụng GIS/GPS trong quản lý dinh dưỡng; ứng dụng enzym trong chế biến, sấy, phân loại hạt; ứng dụng công nghệ và thiết bị chế biến cà phê hòa tan… và giao cho từng đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp, liên kết triển khai thực hiện. Dự kiến năm 2015 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao là 10.000 ha, đến năm 2020 có 40.000 ha cà phê được ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, đến nay diện tích cà phê được ứng dụng công nghệ cao chỉ dừng lại ở khâu sản xuất giống (trong các cơ quan nghiên cứu khoa học), lồng ghép ứng dụng khoa học và công nghệ vào một số chương trình khuyến nông thông qua việc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, một vài mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước... Và hiện tại cũng chỉ có khoảng 15% tổng diện tích cà phê được một số công ty, doanh nghiệp kinh doanh cà phê liên kết với nông dân tổ chức tập huấn các chứng nhận cà phê chất lượng (chứng nhận Common Code for the Coffee Community - 4C, UTZ Certified – UTZ, RainForest…) và bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, diện tích cà phê Đắk Lắk bị già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp chiếm tỷ lệ khá cao. Riêng tại TP. Buôn Ma Thuột, diện tích cà phê già cỗi và sắp bước vào giai đoạn già cỗi chiếm gần 50%  (cụ thể: cà phê trên 15 năm tuổi chiếm 60,1%, trong đó tỷ lệ cây loại B và C chiếm đến 75%). Việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cà phê tại Đắk Lắk vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đây cũng là nguyên nhân không bảo đảm sự ổn định về năng suất và sản lượng cà phê trong những năm gần đây. Năm 2014 sản lượng cà phê Đắk Lắk chỉ đạt 444.121 tấn, giảm 43.627 tấn so với năm 2011 (trong khi diện tích cà phê năm 2014 tăng 3.553 ha so với 2011).

Nông dân thôn 8, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) thu hoạch cà phê tại vườn mẫu cà phê thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Nông dân thôn 8, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) thu hoạch cà phê tại vườn mẫu cà phê thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ảnh:H.G


Chủ trương giảm diện tích cà phê (đến năm 2020 duy trì 170.000 ha, trong đó hơn 158.000 ha cà phê kinh doanh) cùng sản lượng đạt được là 430.000 tấn theo dự kiến của tỉnh chỉ có thể thực hiện được khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cà phê ngay từ bây giờ. Vùng sản xuất cà phê tập trung của Tây Nguyên (trong đó có Đắk Lắk) mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào “Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” theo chủ trương quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Vì vậy, thiết nghĩ địa phương cần tăng cường hỗ trợ đầu tư cho công tác nghiên cứu sản xuất các loại giống cà phê để kịp thời thay thế tái canh, cải tạo cho diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp; đẩy mạnh việc hướng dẫn khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cao trong canh tác cà phê cho nông dân thông qua việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ sinh học để bón cho cà phê, phòng trừ sâu bệnh hại bằng các loại thuốc sinh học; hỗ trợ đầu tư công nghiệp chế biến cà phê (ứng dụng công nghệ sơ chế ướt, phát triển lò sấy cà phê cho những vùng có diện tích cà phê lớn, tăng cường ứng dụng enzym trong chế biến, phân loại hạt…). Để thực hiện hiệu quả các giải pháp ứng dụng công nghệ cao đồng bộ trên diện rộng đối với cà phê, chính quyền địa phương cần tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về công nghệ cao trên cà phê; lựa chọn, giao việc quản lý, chỉ đạo, giám sát việc ứng dụng công nghệ cao (từ khâu sản xuất, phân phối, chế biến, giá cả cho đến tìm thị trường xuất khẩu…) cho cơ quan hoặc đơn vị được đào tạo chuyên sâu, bài bản; xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn triển khai, từng đơn vị, địa phương có diện tích cà phê đáp ứng các yêu cầu cần ứng dụng. 

Có thể nói, khi “bài toán” ứng dụng công nghệ cao vào phát triển sản xuất cà phê tại Đắk Lắk được giải quyết, làm tăng năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế, sẽ góp phần đẩy nhanh việc tái cơ cấu nông nghiệp địa phương.

Báo Đắk Lắk Điện tử

Có thể bạn quan tâm