Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Đắk Liêng, huyện Lắk (Đắk Lắk) được trang bị bàn ghế mới chuẩn bị cho năm học 2018 - 2019. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do địa phương có tỷ lệ tăng dân số nhanh, chủ yếu là tăng cơ học (dân di cư đến ngoài kế hoạch) nên tăng số học sinh; trong khi đó, tỉnh thiếu nguồn lực để đầu tư xây dựng trường, lớp học cũng như kiên cố hóa trường lớp. Mặt khác, giai đoạn 2012-2015, tỉnh Đắk Lắk không được thụ hưởng từ chương trình kiên cố hóa trường, lớp học nên càng khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học.
Trường mẫu giáo Họa Mi, xã Bông Krang, huyện Lắk (Đắk Lắk) được xây dựng 4 phòng học mới cho năm họa 2018 - 2019. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
Giai đoạn 2016-2020, Trung ương có kế hoạch hỗ trợ Đắk Lắk trên 144,333 tỷ đồng để kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên; trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ là 129,6 tỷ đồng. Năm 2017, Trung ương đã bố trí 70,560 tỷ đồng (đợt 1) để tỉnh phân bố về cho 12 huyện xây dựng 136 phòng học cấp tiểu học, 100 phòng học mầm non tại các xã đặc biệt khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kdoh kiến nghị, Chính phủ hỗ trợ thêm cho Đắk Lắk trên 547,5 tỷ đồng để địa phương có điều kiện kiên cố hóa 1.005 phòng học và 450 nhà công vụ cho giáo viên. Qua đó, góp phần phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 80% phòng học kiên cố.
Quang Huy