Tuyệt đối không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học

Tuyệt đối không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học
Tuyệt đối không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học ảnh 1
Các học sinh tiểu học tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Không giao bài tập về nhà

Hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh Tiểu học, ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm giảm tải kiến thức, chú trọng tăng thời lượng học tập và rèn luyện các kỹ năng của học sinh.

Có con đang học lớp 3, chị Nguyễn Thanh Loan (quận Bình Thạnh) cho biết chị rất đồng tình với việc không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, các cháu về nhà có thời gian vui chơi cùng gia đình, tạo sự thoải mái cho bé. Bởi các cháu đã học 2 buổi ở trường rồi về nhà mà học nữa sẽ quá mệt. 

Hơn nữa, việc học 2 buổi/ngày tại trường đã đảm bảo kiến thức cũng như kỹ năng về vẽ, thể dục cũng được phát triển. Tuy nhiên, với những môn còn yếu, cô giáo thường liên lạc trực tiếp với phụ huynh để phối hợp kèm cho cháu. Phụ huynh có thể trao đổi cùng cháu, cháu kể cho mẹ nghe những bài học trên lớp, đó cũng là cách ôn bài tốt.

Anh Nguyễn Minh Tâm, phụ huynh học sinh lớp 5 ở quận Bình Thạnh cho rằng lứa tuổi học sinh tiểu học không thể chỉ gò ép học kiến thức mà cần thời gian để trẻ vui chơi, giao tiếp xã hội và hoàn thiện bản thân.

Từ thực tế, thầy Ngô Thành Cường, giáo viên chủ nhiệm lớp Năm 2, Trường Tiểu học Bình Quới Tây (Quận Bình Thạnh), đối với bậc giáo dục tiểu học, việc không giao bài tập về nhà cho học sinh là hợp lý. 

Tuy nhiên, không phải không giao bài tập về nhà, các em hoàn toàn không ôn tập lại bài cũ, mà giáo viên cần rèn cho học sinh tính tự học, hướng dẫn các em về nhà xem lại bài cũ, tự ôn lại những phần chưa hiểu, chuẩn bị bài mới trước khi lên lớp để theo kịp bài. Tự học giúp các em cảm thấy hứng thú với việc học, nhanh tiếp thu kiến thức.

Chia sẻ về chủ trương này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực tế, nội dung này đã được triển khai từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, năm nay Sở chỉ đạo quyết liệt hơn, các trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày tuyệt đối không giao bài tập về nhà cho học sinh. 

Quyết định này nhận được sự đồng tình của các bậc phụ huynh cũng như giáo viên, đặc biệt đã giảm áp lực rất nhiều cho các em học sinh. Bởi lứa tuổi tiểu học cần giáo dục toàn diện về văn - thể - mỹ, chứ không quá nặng về kiến thức. Đặc biệt, lứa tuổi các em việc rèn luyện về thể lực, đạo đức lới sống là rất quan trọng, góp phần hình thành nhân cách con người. Thực tế, học 2 buổi/ngày là đã đảm bảo lượng kiến thức cho các em.

Tuy nhiên, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, do điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng, hiện thành phố vẫn còn khoảng 30% học sinh tiểu học còn học 1 buổi/ngày. 

Đối với các lớp học 1 buổi/ngày, Sở cũng đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện phối hợp với các Trung tâm văn hóa để bồi dưỡng về kỹ năng, văn thể mỹ cho các em phát triển toàn diện. Đồng thời, nếu có giao bài tập cũng không giao quá nặng cho học sinh, để các em có khả năng hoàn thành mà không tạo áp lực quá nặng nề với các em.

Chú trọng phát triển kỹ năng

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, việc dạy và học đối với bậc tiểu học của thành phố ngày càng được cải tiến. Bên cạnh giáo dục kiến thức, các trường rất chú trọng các hoạt động tập thể, sinh hoạt ngoài nhà trường, như giáo dục kỹ năng sống, phổ cập hơi, các hoạt động phát triển năng khiếu. 

Bên cạnh đó, các trường tổ chức giáo dục đạo đức, kỹ năng thích ứng cuộc sống cho học sinh qua các hoạt động giáo dục; đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất, giáo dục thẩm mỹ.

Thầy Tô Hữu Cường, Hiệu trưởng Trường Bình Quới Tây (Quận Bình Thạnh) cho biết, hiện tại trường tổ chức học 2 buổi/ngày, trong đó buổi 2 trường thực hiện nhiều hoạt động nhằm phát triển kỹ năng cho học sinh. Ngoài việc ôn tập chương trình chính khóa của buổi học 1, buổi 2 trường tổ chức nhiều hoạt động, chuyên đề rèn luyện kỹ năng, các hoạt động ngoại khóa cho học sinh. 

Đồng thời, nhằm phát triển năng khiếu cho các em, trường phối hợp với các trung tâm văn hóa mở lớp học Aerobic và môn võ Vovinam thu hút rất nhiều học sinh tham gia. Với bậc tiểu học, bên cạnh việc cung cấp kiến thức, cần rèn luyện kỹ năng sống, từ đó mới hoàn thiện bản thân. 

Cùng với chủ trương không giao bài tập về nhà cho học sinh học 2 buổi/ngày, việc tăng thời lượng cho các hoạt động phát triển kỹ năng, năng khiếu đã giúp giảm tải kiến thức cho học sinh tiểu học, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện của học sinh.

Nhìn nhận từ thực tế, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng chương trình tiểu học hiện nay khá nặng với các em học sinh. Về lâu dài, nhằm giảm áp lực cho học sinh, Sở đang xây dựng Đề án riêng nhằm giảm tải cho học sinh nói chung, trong đó có học sinh tiểu học. 

Bên cạnh đó, được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sắp tới thành phố sẽ xây dựng bộ sách giáo khoa riêng với nội dung giảm tải cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo lượng kiến thức dựa trên khung chương trình chung của Bộ. Mục tiêu của chương trình giáo dục tiểu học là bên cạnh đáp ứng chuẩn kiến thức, học sinh sẽ tự tin trong giao tiếp, biết chơi ít nhất một môn thể thao, đặc biệt có nền tảng về ngoại ngữ.

Với chương trình hiện hành, ngành giáo dục thành phố tiếp tục giao quyền chủ động cho nhà trường trong việc phân phối chương tình học tập của học sinh phù hợp với từng điều kiện cụ thể trên cơ sở đảm bảo yêu cầu giáo dục của bậc học. Trong đó, chú trọng tăng cường thời lượng thực hành các kỹ năng như giao tiếp, kỹ năng sống, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ cho học sinh.

Có thể bạn quan tâm