Ngày 9/6, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang tổ chức phiên họp, nhằm tháo gỡ khó khăn, triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, đến nay tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình của một số bộ, ngành Trung ương còn thiếu đồng bộ và chưa kịp thời, do vậy gây khó khăn và lúng túng cho địa phương trong quá trình thực hiện; tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình, dự án chưa đạt về tiến độ, kế hoạch đề ra…
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố báo cáo, giải trình về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân khiến việc triển khai chậm tiến độ, đặc biệt là thực hiện các tiểu dự án, các chương trình theo kế hoạch. Trong đó có những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, vận hành các công trình giao thông; triển khai các chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; công tác triển khai giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên, chi trả dịch vụ môi trường rừng ở một số địa phương còn lúng túng, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương đối với những tồn tại hạn chế và chỉ rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên họp, bà Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố có kế hoạch, giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế tồn tại thuộc trách nhiệm của đơn vị, địa phương đã được chỉ ra trong phiên họp.
Bà Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang lại lợi ích to lớn cho người dân. Do vậy, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tăng cường sự phối hợp, nêu cao trách nhiệm để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia một các nhanh nhất, hiệu quả nhất; tiếp tục rà soát lại các nguyên nhân, vướng mặc để đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, quyết tâm thực hiện thành công, đầy đủ các dự án, các nội dung, mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong quá trình thực hiện cần bám sát các hướng dẫn của Trung ương, của các bộ, ngành, của tỉnh để thực hiện cho đúng.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, linh hoạt tháo gỡ khó khăn, giao trách nhiệm cho từng bộ phận, đơn vị và từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vì lợi ích của nhân dân.
Quang Cường