Ngày 7/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn các nội dung về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: dân tộc; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải.
Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn, trọng tâm. Một số đại biểu tích cực tranh luận làm rõ hơn vấn đề chất vấn.
Thúc đẩy giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Tại phần chất vấn về lĩnh vực dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên cần những chính sách đủ mạnh. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn các địa phương bám sát vào chủ trương của Trung ương để có những chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng này, để tạo ra việc làm, thu nhập và giải quyết vấn đề lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu về cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đồng tình với quan điểm của đại biểu, trong đó hệ thống chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải bao gồm chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương. Chính sách của Trung ương bao gồm các luật, các văn bản của Trung ương ban hành làm cơ sở địa phương xây dựng chính sách cụ thể hóa vào bối cảnh cụ thể của từng địa phương, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở địa phương.
Nhiều đại biểu quan tâm, mong muốn Quốc hội đưa 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vào Chương trình giám sát tối cao của Quốc hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã giải trình vấn đề đại biểu quan tâm về việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Thủ tướng cho biết, theo số liệu, đến 31/5/2023, phần vốn của năm 2022 cho chương trình này chỉ đạt 58,49% vốn đầu tư phát triển, vốn của năm 2023 chỉ đạt được 17,01% vốn đầu tư phát triển. Thực tế cho thấy, các địa phương không giải ngân được nhiều vốn Trung ương, nhưng giải ngân được tỷ lệ lớn vốn đối ứng địa phương, điều đó cho thấy những quy định còn vướng mắc, gây khó khăn, việc tháo gỡ các quy định này sẽ tạo được tác động tốt. Thời gian tới, với sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ, hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc để Chương trình được giải ngân đúng theo yêu cầu.
Để các trường đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học
Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, các đại biểu tập trung chất vấn vào các nội dung: việc thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đến năm 2030; triển khai đồng bộ các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ hóa các quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Các đại biểu nhấn mạnh đến việc đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của tổ chức. Có giải pháp để các trường đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, là trung tâm đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trình độ cao. Có cơ chế phù hợp khuyến khích nhà khoa học tại viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ dành thời gian nghiên cứu, làm việc tại doanh nghiệp. Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đã đạt được trình độ quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế. Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn về lĩnh vực khoa học, công nghệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giữ cương vị "tư lệnh" ngành Khoa học và Công nghệ từ cuối nhiệm kỳ khóa XIV nhưng đây là lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Là một nhà khoa học và từng lãnh đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của nước ta, Bộ trưởng cơ bản nắm chắc thực trạng lĩnh vực quản lý, càng trả lời càng tự tin, đầy đủ, thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, có đề xuất định hướng và phương án cụ thể để xử lý trong thời gian tới.
Khắc phục tồn tại trong đăng kiểm, đào tạo lái xe
Chiều cùng ngày, sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải với những nội dung trọng tâm gồm: Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng về nhiều vấn đề nóng, dư luận quan tâm như: việc mở lại các trung tâm đăng kiểm và giải quyết vấn đề ách tắc hiện nay; vấn đề đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe; việc hoàn thiện hệ thống đường gom, đường dân sinh, trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc; vấn đề giảm chi phí vận tải, logistics; thực trạng, dự án thành phần cao tốc có tuyến đã hoàn thành đưa vào sử dụng, song hạng mục đường gom, trạm dừng nghỉ,... chưa hoàn thiện...
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đưa ra vấn đề, tại một số địa phương, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe còn nhiều hạn chế như: đào tạo vượt số lượng được cấp phép, công tác kiểm tra, giám sát có nơi chưa thực hiện. Công tác giám sát học và thi sát hạch còn hình thức, còn tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy và người không đủ năng lực hành vi, không đủ sức khỏe.
Trả lời về vấn đề giấy phép lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua, Bộ thực hiện thanh tra toàn diện trên 63 tỉnh, thành phố về chất lượng đào tạo, tổ chức thi lý thuyết, sát hạch lái xe. Bộ Giao thông Vận tải đã khẩn trương chỉ đạo sửa đổi các thông tư, siết chặt quản lý, dứt khoát không để xảy ra tình trạng đào tạo, cấp bằng cho các đối tượng nghiện ma túy. Bộ trưởng khẳng định các giải pháp sắp tới sẽ được thể hiện rõ trong các văn bản chỉ đạo, thông tư.
Tranh luận về vấn đề đào tạo lái xe, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu thực tế các vướng mắc, bất cập hiện nay gây lãng phí nguồn lực, thời gian cho xã hội và khó thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, quy định dạy học lý thuyết theo truyền thống, học viên phải đến lớp điểm danh,... không còn phù hợp với đa số người học, đi ngược lại với xu hướng, thành quả của khoa học, công nghệ. Trả lời đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, qua đợt rà soát vừa qua, Bộ nhận diện ra những hạn chế, vướng mắc nêu trên. Giải pháp của Bộ là sẽ điều chỉnh những vấn đề không còn phù hợp trong thông tư, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo thuận lợi, tránh lãng phí,...
Trả lời chất vấn về vấn đề đăng kiểm, “Tư lệnh” ngành Giao thông Vận tải cho biết, vụ việc xảy ra ở các Trung tâm Đăng kiểm là “hết sức đáng tiếc”. Cả nước chỉ có hơn 2.000 đăng kiểm viên mà đã có tới gần 1/3 bị khởi tố. Để tuyển dụng được một đăng kiểm viên, mất rất nhiều thời gian, phải trải qua rất nhiều bước đào tạo để cấp chứng chỉ. Nếu đúng theo quy trình hiện nay, phải mất cả năm mới tuyển dụng, đào tạo được.
Khi vụ việc xảy ra, Bộ Giao thông Vận tải đã phải xử lý tình huống bằng một số việc. Bộ đã đề nghị hỗ trợ lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sang; huy động đăng kiểm viên ở tất cả các Trung tâm Đăng kiểm trong toàn quốc về các Trung tâm Đăng kiểm đang thiếu hụt để hỗ trợ.
Sắp tới, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại Nghị định 139/2018/NĐ-CP (quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới), không nhất thiết một dây chuyền đăng kiểm phải có tới 3 đăng kiểm viên, như vậy sẽ tận dụng được thêm một số đăng kiểm viên, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác đăng kiểm trong thời gian tới chắc chắn sẽ đầy đủ.
Bộ trưởng cam kết với các đại biểu Quốc hội là chỉ trong vòng hết tháng 6 này và chậm nhất không quá đầu tháng 7, các Trung tâm Đăng kiểm sẽ hoạt động trở lại bình thường.
PV