Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 31/5, Quốc hội làm việc tại hội trường. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nêu nhiều nội dung và các kiến nghị nhằm góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.
Sớm bảo đảm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia
Đi thẳng vào vấn đề, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Bộ Y tế có câu trả lời đến khi nào chúng ta bảo đảm được vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Theo đại biểu, cấp trên đã có chỉ đạo rất quyết liệt về việc Bộ Y tế phải lấy lại vai trò của mình và phải tiến hành đấu thầu, đàm phán giá hoặc có giải pháp chủ động chứ không được đùn đẩy trách nhiệm về địa phương vì lý do Bộ Tài chính chuyển nguồn ngân sách.
"Trong quá trình đẩy qua đẩy lại như thế này, người phải trả giá chính là trẻ em. Trách nhiệm cũng như hậu quả sẽ hết sức nặng nề nếu như các vaccine của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia chậm trễ", đại biểu nhấn mạnh.
Nội dung thứ hai đại biểu quan tâm là vừa qua đã xuất hiện rất nhiều vấn đề trong việc cung ứng, đỉnh điểm là việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế ở các cơ sở điều trị. Đại biểu đánh giá, Chính phủ đã có phản ứng rất quyết liệt thể hiện ở Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan băn khoăn, từ giai đoạn đó tới nay, ngành y tế đã tiến hành sơ kết, tổng kết ban đầu như thế nào để thấy được những giải pháp cụ thể thực sự giúp tháo gỡ khó khăn trong quá trình mua sắm thuốc và trang thiết bị để đề xuất luật hóa, tránh tình trạng "năm nào cũng thiếu".
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng nhiều bệnh nhân đến bệnh viện phải tự đi mua thuốc, tự đi chụp chiếu ở các cơ sở tư nhân, tự đi mua vật tư y tế... Đại biểu đặt vấn đề về vai trò của bảo hiểm y tế trong việc đền bù những chi phí này, vì đây là quyền lợi chính đáng của mỗi người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Nêu thực trạng khó khăn của ngành giáo dục, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho biết, hiện vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục được xây dựng từ rất lâu, có diện tích phòng nhỏ, không đảm bảo các quy định về quy chuẩn diện tích phòng học, nhưng vẫn không có điều kiện để tu sửa, mở rộng kết cấu, trong khi số học sinh lại ngày một tăng thêm; tình trạng thừa thiếu giáo viên ở cấp giáo dục phổ thông.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số.
Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Đóng góp ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) cho biết, thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, thời gian vừa qua, các địa phương trong cả nước đã tích cực, chủ động điều hành, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hà Đức Minh, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc dẫn đến tỷ lệ giải ngân đến nay còn thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả mục tiêu của chương trình. Điển hình như Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 652/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Quyết định số 653/QĐ-TTg về việc giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, nguồn vốn sự nghiệp mới được giao trong năm 2022 và 2023 mà chưa được giao cả giai đoạn. Do vậy, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng các danh mục sử dụng vốn sự nghiệp, nhất là các dự án có thời gian thực hiện trong nhiều năm.
"Bên cạnh đó, Bộ Tài chính quyết định giao dự toán bổ sung có mục tiêu vốn sự nghiệp cho địa phương, phân bổ cho từng dự án, từng lĩnh vực chi, khi triển khai có nhiều nội dung chưa phù hợp, nhiều lĩnh vực thừa kinh phí, nhiều lĩnh vực còn có khả năng chi nhưng lại thiếu kinh phí. Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ và hệ thống các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã ban hành, nhiều nội dung còn chưa rõ ràng nên khó khăn cho địa phương trong công tác tổ chức triển khai thực hiện", đại biểu dẫn chứng về những vướng mắc.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu giao vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cả giai đoạn 2021-2025 giống như đầu tư công cho địa phương để địa phương chủ động trong công tác lập và triển khai thực hiện.
Đối với việc giao vốn sự nghiệp hàng năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, cần giao tổng kinh phí từng dự án thành phần, không giao chi tiết đến lĩnh vực chi để các địa phương được chủ động phân bổ cho từng lĩnh vực phù hợp với thực tế của từng địa phương. Đối với nguồn vốn sự nghiệp không có khả năng thực hiện giải ngân trong giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn hỗ trợ sản xuất giai đoạn 2026-2030, đại biểu đề nghị thực hiện theo hướng không hỗ trợ vốn trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân mà có cơ chế sử dụng, ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay với lãi suất ưu đãi.
Theo đại biểu Hà Đức Minh, hiện nay, một trong những nguyên nhân chính khiến các chương trình mục tiêu quốc gia có tiến độ thực hiện chậm là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, đại biểu đề xuất nghiên cứu quy định tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án riêng đối với tất cả các dự án, không chỉ là các dự án trọng điểm của quốc gia. Cùng với đó, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chủ quản chủ động xây dựng khung đánh giá kết quả, hiệu quả của chương trình để các địa phương có căn cứ đánh giá, từ đó kịp thời chỉ đạo nhằm phát huy được hiệu quả mục tiêu của chương trình.
Hiền Hạnh