Đảm bảo giải ngân 100% vốn ngân sách thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nhật Bình - TTXVN
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Ngày 14/2, Hội nghị triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức tại thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.

Đảm bảo giải ngân 100% vốn ngân sách thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Dự hội nghị còn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao những kết quả đạt được của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua; đồng thời đề nghị các địa phương trong khu vực tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng địa phương, từng vùng; tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng dân cư và vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chủ động, tích cực tham gia thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, đưa cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả và phát huy tiềm năng, lợi thế nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương đặc biệt khó khăn. Các địa phương cần tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn, chợ phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn và công trình cơ sở hạ tầng đã đầu tư giai đoạn trước, tạo điều kiện cho vùng dân tộc thiểu số giao thương thuận lợi, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; tăng cường, đôn đốc công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quý I năm 2023, các bộ, ban, ngành phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm vấn đề còn chồng chéo, chưa phù hợp; phân cấp trong giải quyết các vấn đề cũng như cải cách hành chính. Các địa phương cần cân đối nguồn vốn cho phù hợp các mục tiêu chương trình tránh dàn trải để tránh lãng phí; tăng cường, đôn đốc công tác kiểm tra, giám sát…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao hơn 8.790 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho các địa phương thuộc vùng Tây Nam Bộ để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chiếm 8,79% nguồn lực đầu tư phát triển của ngân sách trung ương để thực hiện 3 chương trình trên cả nước. Năm 2022, ngân sách trung ương hỗ trợ trên 3.279 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương trên 3.542 tỷ đồng. Ước thanh toán vốn đầu tư trung ương thực hiện 3 chương trình đến ngày 31/1/2023 là 1.623 tỷ đồng, đạt 70,72%. Đối với vốn ngân sách địa phương đã giải ngân 100%.

Năm 2023, tổng vốn ngân sách trung ương giao cho các địa phương khu vực Tây Nam Bộ trên 2.232 tỷ đồng. Tính tới ngày 31/1/2023, có 5 tỉnh (Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu) chưa hoàn tất phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, các địa phương còn lại đã hoàn thành.

Đại diện lãnh đạo các địa phương đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đó là Trung ương chưa phê duyệt danh sách thôn dân tộc đặc thù; thiếu hướng dẫn đối với các nội dung dự án hoạt động Tiểu dự án 1 về “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; một số chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao quy định chưa phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Việc chưa thông báo vốn sự nghiệp giai đoạn khiến địa phương không thể triển khai danh mục dự án theo chuỗi liên kết có thời gian thực hiện từ 2 - 3 năm; chưa có quy định định mức kinh phí tối đa cho một dự án và định mức hỗ trợ tối đa cho một hộ gia đình; việc xây dựng danh mục dự án đặc thù cần xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương…

Đảm bảo giải ngân 100% vốn ngân sách thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 2Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Nhật Bình – TTXVN

Dựa trên các vướng mắc, khó khăn của các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao Ủy ban Dân tộc và các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông; Tài chính; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Y tế khẩn trương ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền các nội dung hướng dẫn còn thiếu; tích cực rà soát, chủ động trao đổi với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành nhằm thúc đẩy cao nhất tiến độ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia trên cả nước. Phó Thủ tướng giao các cơ quan chủ chương trình chủ trì, phối hợp với các cơ quan chủ dự án thành phần và cơ quan liên quan tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình; tổng hợp, báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương kết quả xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương định kỳ hàng tháng.

Cùng với đó giao UBND các tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách do địa phương phải ban hành theo quy định; khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện tại các cấp trực thuộc; đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao.

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác cũng đã làm việc tại xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng; trao đổi, làm rõ các vấn đề về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; chuyển đổi ngành nghề cho người dân; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động dân tộc thiểu số; hỗ trợ nguồn vốn cho người dân thực hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả…

Chủ tịch UBND xã Tham Đôn Tăng Trung Bảo kiến nghị các bộ, ngành Trung ương thống nhất ban hành chung một nội dung chương trình mục tiêu quốc gia để hướng dẫn thực hiện; tiếp tục hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số; nâng mức hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nhà ở cho hộ thụ hưởng thấp nhất là 80 triệu đồng/hộ.

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm