Tuyên Quang phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

Nhằm phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, giúp ổn định và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện phát triển đa dụng hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh.

vna_potal__tuyen_quang_can_dich_truoc_1_nam_de_an_trong_mot_ty_cay_xanh_7428455.jpg
Học sinh tỉnh Tuyên Quang hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Theo đó, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục hoàn thiện về các thủ tục pháp lý theo hướng bảo đảm mọi diện tích rừng đều có chủ để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật; ưu tiên thực hiện các quy định về quản lý rừng đối với những diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng tập trung, có ưu thế và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện sinh kế của cộng đồng, người dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh; mở rộng về diện tích và phát triển rừng trồng thâm canh gỗ lớn tại các địa bàn thuộc các huyện, thành phố có nhiều lợi thế, tiềm năng trong tỉnh như: Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương...

Đồng thời, tỉnh tập trung ứng dụng khoa học công nghệ để phát huy tối đa các giá trị của hệ sinh thái rừng, phát triển các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao gắn với tri thức bản địa của cộng đồng địa phương; ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý cơ sở dữ liệu, cấp mã số vùng nuôi trồng, truy xuất, xác định nguồn gốc, chế biến và bảo quản lâm sản hợp pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; tiếp nhận, chuyển giao công nghệ khuyến lâm, khuyến công... nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng cho người làm nghề rừng. Qua đó, giúp tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất, khai thác, chế biến, bảo quản và thúc đẩy thị trường các sản phẩm lâm sản, góp phần phát huy hiệu quả sản xuất của ngành lâm nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang tăng cường tiếp cận, hợp tác quốc tế theo các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân, hợp tác công tư cho phát triển rừng gỗ lớn, phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, quản lý rừng bền vững, phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương…

vna_potal__tuyen_quang_can_dich_truoc_1_nam_de_an_trong_mot_ty_cay_xanh_7428459.jpg
Người dân tỉnh Tuyên Quang hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác đạt bình quân trên 1,1 triệu m3/năm; giai đoạn 2026 - 2030 khai thác đạt bình quân trên 1,3 m3/năm; 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Trên cơ sở đó, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng; duy trì ổn định diện tích rừng đặc dụng; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của Chính phủ về bảo tồn các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam tại địa phương…

Tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 448 nghìn ha đất lâm nghiệp; trong đó, có hơn 46 nghìn ha rừng đặc dụng, hơn 121 nghìn ha rừng phòng hộ, hơn 280 nghìn ha rừng sản xuất. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2023 đạt hơn 1.842 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2022.

Đến nay, tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng hơn 190 nghìn ha; hằng năm trồng mới hơn 11 nghìn ha rừng và là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về độ che phủ rừng với tỷ lệ trên 65%.

Hoàng Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm