Tuyên Quang giữ tốc độ tăng trưởng cao trong 14 tỉnh Trung du, miền núi Bắc Bộ

Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVII. Ảnh Vũ Quang - TTXVN
Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVII. Ảnh Vũ Quang - TTXVN

Trong hai ngày 24 - 25/8, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tuyên Quang giữ tốc độ tăng trưởng cao trong 14 tỉnh Trung du, miền núi Bắc Bộ ảnh 1Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVII. Ảnh Vũ Quang - TTXVN

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn nêu rõ: Sau hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ khóa XVII, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2021-2023 là 8,12%; tổng sản phẩm bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến hết năm 2023, dự kiến đạt 55,7 triệu đồng; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ bình quân 2021-2023, tăng 8,06%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,9%/năm. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 ước đạt 60,6%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến đạt 3.200,5 tỷ đồng, bằng 80% mục tiêu Nghị quyết…

Đến nay, tỉnh luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng cao trong 14 tỉnh Trung du, miền núi Bắc Bộ. Thời gian tới, tỉnh phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trọng tâm là 15 chỉ tiêu chủ yếu, 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 12 giải pháp chủ yếu và mục tiêu tổng quát trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã nghe báo cáo chuyên đề về 3 khâu đột phá của tỉnh về: “phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới”; “phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh” và “phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại”.

Theo đó, 4/4 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp dự kiến hoàn thành vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Nông nghiệp chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa. Toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP, đứng thứ 4/14 tỉnh miền núi phía Bắc. Hơn 48.318 ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đứng thứ 2 cả nước. Có 57 hợp tác xã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 77 hợp tác xã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm…

Việc triển khai xây dựng, phát triển Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng tiêu chí khu du lịch quốc gia vào năm 2025; phát triển Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, mang thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế; xây dựng Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế; xây dựng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm trở thành khu du lịch mang thương hiệu quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tâm tinh tạo thành điểm nhấn thu hút khách du lịch. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023 toàn tỉnh đón gần 6,1 triệu lượt khách, tổng thu xã hội từ du lịch đạt 6.420 tỷ đồng...

Tại Hội nghị, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII.

Tuyên Quang giữ tốc độ tăng trưởng cao trong 14 tỉnh Trung du, miền núi Bắc Bộ ảnh 2Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Vũ Quang - TTXVN

Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, thời gian tới, cần tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chỉ tiêu, khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện hiệu quả nghị quyết, chỉ thị, đề án, cơ chế, chính sách của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển để nâng cao quy mô, giá trị, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững và toàn diện; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công trình, dự án thực hiện 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm, tạo động lực tăng trưởng.

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang yêu cầu, các cấp, ngành thực hiện đồng bộ biện pháp tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tích cực triển khai giải pháp xây dựng tỉnh trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng; huy động nguồn lực triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2025, có 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Các cấp, ngành quan tâm phát triển đồng bộ, toàn diện văn hóa - xã hội, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt quan tâm phát triển đồng bộ, toàn diện văn hóa - xã hội, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Ông Chẩu Văn Lâm yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, cải cách hành chính Nhà nước; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu thực hiện nghiêm quy định trách nhiệm nêu gương; thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, sớm khắc phục biểu hiện sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, phối hợp thiếu chặt chẽ trong thực thi công vụ, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Từ đó, hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu sớm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Vũ Quang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm