Sức sống mới trên quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử

Sức sống mới trên quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử

Là một trong những địa phương đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang, với những lợi thế, tiềm năng sẵn có, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Trào (huyện Sơn Dương) đã và đang phát huy truyền thống, tạo nên diện mạo quê hương cách mạng ngày càng khởi sắc.

Sức sống mới trên quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử ảnh 1Hệ thống giao thông của xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: TTXVN

Ông Hoàng Đức Soài, Chủ tịch UBND xã Tân Trào, huyện Sơn Dương phấn khởi cho cho biết, hiện nay, kinh tế của xã tiếp tục phát triển theo hướng nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại. Đời sống nhân dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 52,8 triệu đồng/người/năm.Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm đạt 1,11%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 95%. Xã không còn nhà tạm, nhà dột nát... Kinh tế của xã có bước phát triển, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp được duy trì ổn định, tiếp tục chuyển dịch theo hướng hàng hóa, hữu cơ. Các công trình xây dựng cơ bản, đường giao thông được đẩy nhanh tiến độ; cơ sở vật chất của các thôn được quan tâm đầu tư. Chất lượng giáo dục được nâng lên, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn được duy trì, tạo việc làm mới cho người lao động; công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện.

Sức sống mới trên quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử ảnh 2Du khách thăm lán Nà Nưa trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Ảnh: TTXVN

Nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng của cả nước, là nơi Trung ương Đảng và Bác Hồ có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước vào tháng 8/1945… Với hàng trăm di tích lịch sử trên địa bàn, để phát huy hết tiềm năng du lịch địa phương, xã Tân Trào đang tiếp tục thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch, khuyến khích lao động địa phương làm dịch vụ du lịch, tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm chủ lực... Hiện, địa bàn đang có 18 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay được tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ kinh phí với mức từ 70 - 80 triệu đồng/hộ để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Chị Ma Thị Phương, thôn Tân Lập, xã Tân Trào cho biết, trước đây, thu nhập của gia đình chị chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, cuộc sống khá bấp bênh. Đến tháng 10/2022, gia đình chị quyết định đầu tư kinh phí chỉnh trang lại khuôn viên, nhà ở để kinh doanh dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch. Hiện nay, homestay Tiến Phương của gia đình có thể phục vụ từ 60 - 70 khách lưu trú qua đêm và phục vụ ăn uống cho khoảng 400 - 500 khách. Thu nhập từ kinh doanh dịch vụ du lịch cao hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp.

Cùng với chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ, xã còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Địa phương đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp để nhân rộng; phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với xây dựng các chuỗi liên kết, cung ứng, xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương, cấp chứng nhận VietGap và cấp mã truy xuất vùng trồng cho các sản phẩm nông nghiệp...

Sức sống mới trên quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử ảnh 3Sản phẩm mật ong tự nhiên của Hợp tác xã nuôi ong chất lượng cao Tân Trào được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Ông Triệu Sinh Tiến, Giám đốc Hợp tác xã nuôi ong chất lượng cao Tân Trào cho biết, hợp tác xã được thành lập từ năm 2018 với 7 hộ thành viên chuyên nuôi ong lấy mật, bán ong giống và các sản phẩm từ ong. Trước đó, xã Tân Trào có trên 100 hộ nuôi ong nhưng đều nuôi nhỏ lẻ, mô hình chủ yếu phục vụ gia đình. Từ khi thành lập hợp tác xã, sản phẩm mật ong của xã Tân Trào được nhiều người biết đến và tin dùng. Hiện nay, sản phẩm mật ong của đơn vị đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ nuôi ong, các hộ gia đình có thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm, cuộc sống ngày càng khá lên.

Xã Tân Trào phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,6 % (theo chuẩn nghèo đa chiều); thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 2.000 tấn; duy trì và nâng cao 19/19 tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu hút trên 5.000 lượt khách du lịch lưu trú. Địa phương đặt mục tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 85%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%...

Diện mạo mới của vùng quê cách mạng Tân Trào hôm nay cho thấy truyền thống cách mạng chính là động lực khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của chính quyền và của mỗi người dân quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Quang Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm