Xã vùng cao Tuyên Quang nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xã vùng cao Tuyên Quang nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao

Với định hướng “Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng”, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đang tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã vào cuối năm 2023.

Ông Đặng Văn Sam, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái chia sẻ, Hồng Thái là xã vùng cao của huyện Na Hang, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Dao chiếm hơn 70%, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, cuộc sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để giữ vững các tiêu chí đã đạt được và nâng cao các tiêu chí, sớm “về đích” nông thôn mới nâng cao, chính quyền địa phương luôn trăn trở tìm các giải pháp phù hợp nhất để thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí khó như thu nhập, tiêu chí môi trường… Chính quyền xã Hồng Thái đã đề ra các giải pháp để thực hiện các tiêu chí khó, trong đó cần phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, thay đổi cơ cấu cây trồng, tư duy canh tác lạc hậu của người dân, đưa các giống cây mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân.

Xã vùng cao Tuyên Quang nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao ảnh 1Xã Hồng Thái phát triển du lịch với mùa hoa lê nở trắng. Ảnh: Nam Sương

Để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân, Hồng Thái tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào trồng một số giống cây trồng mới, cây đặc sản, ưa khí hậu lạnh như cây lê, mận, dâu tây, bí đao… Nhờ vậy, đến nay, xã đã phát triển vùng nông sản sạch, với gần 100 ha chè đặc sản, hơn 90 ha lê, hàng chục ha rau sạch các loại... Cùng với đó, xã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hợp và Hợp tác xã Sơn Trà chuyên sản xuất rau an toàn, thu mua, chế biến chè và dịch vụ trồng trọt. Qua đó, đầu ra nông sản cho bà con đã được giải quyết, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Đặng Ngọc Phố, Giám Đốc Hợp tác xã Sơn Trà cho biết: Các sản phẩm của Hợp tác xã đều sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo nguyên tắc “ba không”: không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, không pha tạp. Với định hướng phát triển đúng đắn cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, việc nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho chè Shan tuyết đã tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân bản địa, góp phần vào công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Cùng với việc chú trọng phát triển nông nghiệp, Hồng Thái còn phát huy lợi thế được thiên nhiên ban tặng, khí hậu mát lành (do xã nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển), cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc để phát triển các loại hình du lịch cộng đồng. Xã định hướng cho người dân, đặc biệt là những hộ gia đình có khả năng làm du lịch cộng đồng tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng để xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà ở và khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Hiện xã có 5 hộ làm homestay, đủ tiêu chuẩn đón khách với năng lực phục vụ 300 khách/ngày đêm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, xã Hồng Thái thu hút được trên 9.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm, tổng doanh thu xã hội từ du lịch hơn 3,1 tỷ đồng.

Chị Đặng Thị Dương, dân tộc Dao Tiền, chủ Homestay Đặng Dương, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái cho biết, mỗi tuần, homestay của gia đình chị đón từ 80 đến 100 khách du lịch, đông nhất là mỗi dịp cuối tuần. Phát triển du lịch homestay không chỉ giúp gìn giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc mình mà còn giúp người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Hồng Thái đạt 45,7 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nghèo đa chiều là 62/326 hộ, chiếm 19%. Số có nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 100%. Số hộ có nhà tắm hợp vệ sinh đạt 93%; số hộ có thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94,17%; số hộ đảm bảo 3 sạch (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) đạt 94,17%...

Ông Đặng Văn Sam, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết, với phương châm cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước, vận động nhân dân làm theo, xã tập trung phát triển những cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho bà con về công tác giảm nghèo, có ý thức tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thời gian tới, UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời vận dụng, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Xã phấn đấu hết năm 2023, thu nhập bình quân đạt trên 51 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 7% và sẽ “về đích” nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.

Vũ Quang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm