Các đại biểu cắt băng khai mạc Tuần lễ cam sành huyện Bắc Quang niên vụ 2017 - 2018 gắn với Hội chợ Thương mại lần thứ nhất. Ảnh: Báo Hà Giang |
Hội chợ lần này có quy mô gần 100 gian hàng; trong đó có 45 gian hàng giới thiệu sản phẩm cam sành huyện Bắc Quang, còn lại là các gian hàng thương mại. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu hình ảnh cam sành Bắc Quang trên thị trường trong nước, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đặc biệt, đây cũng là dịp để địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Hà Giang là vùng cam lớn nhất các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Ở Hà Giang cây cam được trồng tập trung ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Vùng cam sành Hà Giang hình thành từ đầu những năm 1980-1990 và nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam bởi là vùng có diện tích cam sành lớn, chất lượng ngon, với hương vị riêng biệt, hấp dẫn. Cây cam được coi là một trong những cây chủ lực của tỉnh và đã được phát triển tập trung nhằm mục đích tạo vùng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn.
Các đại biểu tham quan gian hàng tại hội chợ. Ảnh: Báo Hà Giang |
Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có gần 9.000 ha diện tích đất trồng cam cho thu hoạch; trong đó có gần 2.800 ha đất trồng được bà con nông dân áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap. Để cam sành Hà Giang giữ vững uy tín trên thị trường, tỉnh Hà Giang đang chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương nỗ lực đưa tất cả các hộ trồng cam tham gia vào Hiệp trồng trồng cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.
Đặc biệt năm 2018 cũng là năm đầu tiên sản phẩm cam sành của Hà Giang được dám tem truy xuất nguồn gốc. Đây là điều kiện tiến quyết để nâng cao thương hiệu, giá thành sản phẩm cam sành Hà Giang.
Chỉ trong 5 ngày diễn ra tuần lễ cam sành Hà Giang, đông đảo du khách đã đến thăm quan; nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố đã ký hợp đồng mua cam sành Hà Giang.
P.V