Tự nguyện trả lại hàng chục ha đất lâm nghiệp đã lấn chiếm ở Gia Lai

Tự nguyện trả lại hàng chục ha đất lâm nghiệp đã lấn chiếm ở Gia Lai

Từ nguồn Quỹ dịch vụ bảo vệ môi trường rừng, các đơn vị nhận khoán đã làm tốt công tác điều phối kinh phí kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân vùng lõi trong công tác bảo vệ rừng. Tại Gia Lai, nhiều người dân trả lại diện tích rừng lấn chiếm, đặc biệt, còn có cả những nhóm "lâm tặc" sau khi được vận động, tuyên truyền, nay trở thành những người bảo vệ rừng tích cực.

Người dân trả lại đất lâm nghiệp lấn chiếm

Tính đến năm 2019, tỉnh Gia Lai có hơn 17.000 hộ dân tự nguyện kê khai hơn 31.500 ha rừng bị lấn chiếm, chủ yếu diện tích rừng bị lấn chiếm này do người dân phá rừng làm nương rẫy. Để hạn chế tình trạng trên, tỉnh Gia Lai nhận định cần phải tạo việc làm cho người dân vùng lõi rừng, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định để người dân không vi phạm lâm luật.

Tự nguyện trả lại hàng chục ha đất lâm nghiệp đã lấn chiếm ở Gia Lai ảnh 1Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang) tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trồng lại các loại cây lâm nghiệp trên diện tích đất lấn chiếm của Ban quản lý. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang) là một trong những đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân, qua đó, nhiều hộ dân nơi đây đã tự nguyện trả lại hàng chục ha đất lâm nghiệp lấn chiếm.

Anh Nguyễn Văn Lập, thôn Trạm Lập, xã Sơn Lang, huyện Kbang (Gia Lai) cho biết, trước đây, gia đình khó khăn nên đã lấn chiếm 2 ha đất rừng của Khu Bảo tồn Kon Chư Răng làm rẫy. Được cán bộ Khu Bảo tồn tuyên truyền, vận động, gia đình anh đã trả lại đất lâm nghiệp cho nhà nước. Sau đó, hai vợ chồng anh Lập được nhận vào làm nhân viên Khu Bảo tồn. Cuộc sống ổn định, anh không còn ý định phát nương làm rẫy như trước đây.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Trạm Lập, xã Sơn Lang, hiện thôn có khoảng 15 tổ nhận khoán, hưởng lợi từ tiền dịch vụ môi trường rừng, chủ yếu là các hộ nghèo và cận nghèo trong thôn. Trung bình, mỗi hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng. Đây là mức thu nhập đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người dân tộc thiểu số trong vùng, nhờ đó đã hạn chế tối đa tình trạng phát nương làm rẫy.

Tự nguyện trả lại hàng chục ha đất lâm nghiệp đã lấn chiếm ở Gia Lai ảnh 2 Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang) tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trồng lại các loại cây lâm nghiệp trên diện tích đất lấn chiếm của Ban quản lý. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cho biết đơn vị đã áp dụng phương thức chuyển từ đối đầu với dân sang đối thoại, đối thoại sang đối tác để giải quyết tốt vấn đề tranh chấp, chồng lấn đất với người dân vùng đệm thuộc lâm phần Ban Quản lý. Qua đó, Khu Bảo tồn đã vận động người dân vùng đệm nhận khoán bảo vệ diện tích rừng phòng hộ. Có thời điểm, khoảng hơn 60% cán bộ công nhân viên và người lao động của Khu Bảo tồn Kon Chư Răng là người dân vùng đệm, trong đó hầu hết là người dân tộc Bahnar. Ngoài ra, đơn vị đã vận động tất cả 6 thôn làng vùng đệm nhận khoán bảo vệ rừng của Kon Chư Răng với đơn giá 400.000 đồng/ha /năm, ưu tiên khoán cho các hộ nghèo, cận nghèo. Cuộc sống được đảm bảo, người dân tích cực phối hợp với Ban Quản lý để giữ rừng khiến tình trạng lấn chiếm đất rừng đến nay hầu như không còn tồn tại.

Cảm hóa lâm tặc thành người bảo vệ rừng

Câu chuyện khó tin đang hiện hữu tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra, về việc anh Dương Xuân Kiếm (sinh năm 1973, thôn 4, xã Đắk Jơ Ta, huyện Mang Yang, Gia Lai) trước đây được nhiều người trong vùng biết tiếng là "lâm tặc" đầu sỏ, manh động nhưng nay đã trở thành người bảo vệ rừng đắc lực nhất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra.

Hiện tại, anh Kiếm được giao là Tổ trưởng quản lý 150 ha rừng tự nhiên khu vực giáp ranh giữa huyện Mang Yang với Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh và huyện Kbang (Gia Lai). Cùng bảo vệ rừng với anh Kiếm còn có 3 người khác trong thôn, trước đây cũng là lâm tặc. Tổng cộng, nhóm anh Kiếm được giao bảo vệ 400 ha rừng tự nhiên.

Anh Kiếm cho biết, trước đây, do nhận thức còn hạn chế, anh cùng nhiều đối tượng rủ nhau phá rừng lấy gỗ mong làm giàu nhanh. Tuy nhiên, khi được cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra vận động, tuyên truyền, anh đã thay đổi tư duy, tham gia bảo vệ rừng để chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ. Hễ thấy người dân có dấu hiệu vào rừng cưa gỗ, anh Kiếm đã chặn đường, yêu cầu quay về. Tối đến, anh tìm ngay đến tận nhà để tuyên truyền về tác hại của việc phá rừng. Với ngoại hình vạm vỡ, đi cùng một nhóm thanh niên trong tổ bảo vệ rừng, các đối tượng muốn phá rừng khu vực này cũng e ngại. Thấy anh Kiếm làm gay gắt, nhiều nhóm đối tượng tìm đến nhà dọa nạt, đòi đánh thậm chí đưa tiền để anh làm ngơ nhưng anh Kiếm nhất định không đồng ý.

"Anh Chín, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Ra đã cảm hóa tôi, đối xử rất tốt với anh em chúng tôi nên tôi không làm trái với lương tâm được. Công việc bảo vệ rừng khá vất vả. Chúng tôi thường xuyên đi tuần tra, có nơi phải cắm chốt qua đêm ở lại trong rừng nhưng đã nhận tiền khoán bảo vệ rừng phải làm đến nơi đến chốn." - anh Kiếm tâm sự.

Tự nguyện trả lại hàng chục ha đất lâm nghiệp đã lấn chiếm ở Gia Lai ảnh 3 Anh Dương Xuân Kiếm (áo xanh, đi đầu) tại thôn 4, xã Đắk Jơ Ta (Mang Yang, Gia La) thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra tuần tra diện tích rừng nhận giao khoán. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra là đơn vị bảo vệ rừng tốt nhất tại tỉnh Gia Lai.Từ nhiều năm nay, tại đây không có vụ xâm lấn hay phá rừng nào xảy ra. Đơn vị quản lý bảo vệ gần 14.000 ha rừng, trong khi đó biên chế chuyên trách chỉ có 15 người, khiến công tác bảo vệ rừng gặp nhiều áp lực. Để có kết quả giữ rừng như vậy, ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra, nảy ra ý định tìm, chọn người "cộm cán" ở đó để giao rừng cho họ bảo vệ, chia nhỏ các diện tích rừng cho các tổ nhận giao khoán, bảo vệ. Từ cách làm thành công đối với nhóm "lâm tặc" như anh Kiếm ở xã Đắk Jơ Ta, ông Chín còn giao 500 ha rừng cho nhóm 20 hộ dân ở khu vực đèo Mang Yang quản lý; giao gần 300 ha rừng cho Chi hội Cựu chiến binh thôn Phú Danh... Nhờ vậy, tình trạng xâm lấn, phá rừng rất hiếm khi xảy ra, rừng được bảo vệ tốt, là điển hình bảo vệ rừng của tỉnh Gia Lai.

Tỉnh Gia Lai có gần 600.000 ha đất lâm nghiệp trong đó 500.000 ha có rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Hiện, khoảng 167 cơ sở cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên số diện tích này với 22 Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; 11 Công ty Lâm nghiệp; 21 chủ rừng là cộng đồng dân cư; 104 UBND xã và 9 chủ rừng khác. Ngoài việc chi trả công khai, minh bạch kinh phí dịch vụ môi trường rừng bằng hình thức chuyển trực tiếp vào tài khoản đơn vị nhận khoán, các cơ sở cung ứng dịch vụ môi trường rừng còn làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân vùng lõi trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn.

Theo báo cáo từ Quỹ dịch vụ bảo vệ môi trường rừng tỉnh Gia Lai, từ năm 2011-2020, Quỹ đã chi cho các đơn vị nhận khoán trên địa bàn số tiền 708 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, làm giảm số vụ vi phạm lâm luật qua từng năm ( năm2011: 1.422 vụ; năm 2016: 922 vụ; năm 2019: 560 vụ, 8 tháng năm 2020: 400 vụ). Tạo nguồn thu cho các chủ rừng, nâng cao thu nhập cho người dân; nâng tổng số 711 hộ nhận khoán (năm 2011) lên 12.170 hộ (tăng 17 lần) với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/hộ/năm góp phần cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm