Bắt đầu từ 1/7/2021 đến ngày 30/7/2021, Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành tổng điều tra kinh tế năm 2021 giai đoạn II. Theo đó, tổng điều tra kinh tế giai đoạn II sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn bộ các xã, phường, thị trấn rộng khắp cả nước. Điều này nhằm thu thập thông tin của trên 5 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và trên 45 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Tổng điều tra kinh tế Trung ương Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II được thực hiện trên phạm vi lớn với nhiều thách thức trong việc thu thập thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời; đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin và đảm bảo hệ thống thông tin, đường truyền dữ liệu thông suốt từ địa phương đến Trung ương.
Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc thu thập thông tin giai đoạn II gặp nhiều thách thức. Điều này đòi hỏi Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương và các Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm tiến độ Tổng điều tra, chất lượng thông tin; đồng thời, phòng chống dịch an toàn, hiệu quả.
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê, thực hiện tổng điều tra kinh tế giai đoạn II trong tháng 7/2021 đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng cần đặc biệt lưu ý một số điểm như: đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia điều tra và các đơn vị thực hiện điều tra trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp tại địa phương cần trao đổi với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương về những trường hợp đặc thù; có nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ an toàn của những người tham gia điều tra để thống nhất hướng dẫn thực hiện trong thời gian thu thập thông tin tại địa bàn; trong đó, cần xác định đúng cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và bổ sung trong danh sách điều tra nếu phát sinh.
Bên cạnh đó, mô tả đúng sản phẩm và chọn đúng mã ngành sản phẩm. Bởi, việc chọn đúng mã ngành là đặc biệt quan trọng trong việc thu thập các thông tin tiếp theo của phiếu hỏi, đảm bảo phản ánh đúng tình hình sản xuất kinh doanh của các cơ sở. Đồng thời, hiểu rõ câu hỏi điều tra và sử dụng thành thạo phần mềm điều tra và tăng cường kiểm tra số liệu trực tuyến trên các phần mềm của tổng điều tra.
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 nhằm thu thập thông tin cơ bản từ các doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng về tình hình sản xuất kinh doanh, kinh tế số, thương mại điện tử và sản phẩm đặc thù của các ngành và địa phương. Kết quả tổng điều tra phục vụ đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, là căn cứ để xây dựng Chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 quy định thời gian thu thập thông tin từ tháng 3 đến tháng 7/2021, chia làm hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn I, từ ngày 1/3 đến ngày 30/5/2021 thực hiện thu thập thông tin từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội. Riêng đối với các địa phương có từ 8.000 doanh nghiệp trở lên được hoàn thành công tác thu thập thông tin của các doanh nghiệp trong tháng 8/2021. Giai đoạn II, bắt đầu từ ngày 1/7 đến ngày 31/7/2021 nhằm thực hiện thu thập thông tin từ các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Dự kiến lực lượng tham gia tổng điều tra kinh tế giai đoạn II là khoảng 30 nghìn người; trong đó, khoảng 25 nghìn điều tra viên thống kê có trình độ nghiệp vụ, kỹ năng điều tra và có thể sử dụng thành thạo các thiết bị di động thông minh (máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh) sẽ được tuyển dụng để thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tại địa bàn.
Tổng điều tra kinh tế là một trong ba cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia được quy định trong Luật Thống kê với chu kỳ thu thập thông tin là 5 năm một lần. Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện theo Quyết định số 307/ QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đây là cuộc Tổng điều tra kinh tế lần thứ 6 tại Việt Nam. Trước đó, Tổng cục Thống kê đã chủ trì thực hiện tổng điều tra kinh tế lần thứ nhất vào năm 1995, lần thứ 5 vào năm 2017.
Thúy Hiền