Ngày 28/8, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Cổ vật Thành phố phối hợp tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề "Di sản và ký ức - Bức tranh từ những mảnh ghép". Trưng bày giới thiệu đến công chúng gần 170 hiện vật tiêu biểu được chọn lựa từ "gia sản" của 27 nhà sưu tập đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nam Định, Hà Nội…
Theo Ban Tổ chức, các hiện vật này được chia thành hai nhóm chủ đề lớn: Gốm Việt Nam từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn có niên đại trải dài từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX với nhiều loại đồ gia dụng, đồ thờ cúng, đồ trang trí, đồ dùng trong thưởng ngoạn (uống trà, uống rượu); Gốm sứ Việt Nam đặt hàng Trung Quốc, Pháp sản xuất từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, gồm các loại chén, bát, đĩa, bộ đồ trà, bộ đĩa chén trà, thố, nậm… đa dạng về hoa văn, họa tiết trang trí với men ngọc và men xanh trắng.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các hiện vật tiêu biểu được lựa chọn trưng bày thể hiện một diện mạo đa sắc cũng như thông điệp từ quá khứ được lưu giữ. Trong đó, hiện vật thời Nguyễn được giới thiệu rất phong phú, nhất là về chất liệu: đá, gỗ, ngà, đồng qua các hiện vật: nghiên mực, khay, hộp đựng sắc phong, trấn phong, lư trầm, con dấu...; đồ thờ cúng, lư hương - những loại hình không thể thiếu trên bàn thờ thần, có dạng hình khối chữ nhật được trang trí hoa văn tỉ mỉ, mang ý nghĩa tín ngưỡng, văn hóa mà cả ý nghĩa lịch sử. Trưng bày giúp công chúng và những người yêu cổ vật tìm thấy những miền ký ức của mình qua các câu chuyện từ hiện vật, để hiểu thêm về tri thức, lịch sử, văn hóa được chuyển tải từ những mảnh ghép di sản. Đây là dịp Bảo tàng cùng Hội cổ vật hợp tác để thời gian tới có thêm nhiều kết nối di sản và ký ức từ cổ vật được lưu giữ lại.
Chuyên đề mở cửa đón công chúng tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1) đến hết ngày 30/10/2023. Dịp này, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận một số hiện vật do các nhà sưu tầm cổ vật trao tặng.
Thu Hương