Phát huy không gian trưng bày cổ vật Cung đình Huế

Du khách tham quan triển lãm. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Du khách tham quan triển lãm. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Ngày 24/8, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Đây là một trong những bảo tàng được thành lập sớm nhất tại Việt Nam, đang lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý của triều đại nhà Nguyễn cũng như một số hiện vật điêu khắc Champa độc đáo.

Phát huy không gian trưng bày cổ vật Cung đình Huế ảnh 1Du khách tham quan triển lãm. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Ngày 17/8/1923, Vua Khải Định đã ban hành chỉ dụ cho phép thành lập ở Kinh đô Huế một bảo tàng, lấy tên là Musée Khải Định. Trải qua biến thiên của lịch sử, Bảo tàng đã nhiều lần thay đổi tên gọi, từ năm 2007 đến nay đổi tên thành Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là một bộ phận mật thiết của Quần thể Di tích Cố đô Huế, là một thiết chế đặc biệt có ý nghĩa trong tiến trình lịch sử của vùng đất Thần Kinh.

Phát huy không gian trưng bày cổ vật Cung đình Huế ảnh 2An dân bảo kiếm niên hiệu Khải Định. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày hơn 11.000 hiện vật, trong đó có 8 hiện vật, bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Phần trưng bày chính của bảo tàng được tổ chức tại Điện Long An đem đến cho người xem cái nhìn tổng quan về đời sống của hoàng gia triều Nguyễn. Bảo tàng còn có nhiệm vụ tổ chức trưng bày tái hiện không gian nguyên thủy của các công trình kiến trúc tại các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế gồm Đại Nội, các lăng tẩm; tham gia triển lãm trong và ngoài nước; thực hiện công tác sưu tầm hiện vật, nghiên cứu khoa học…

Phát huy không gian trưng bày cổ vật Cung đình Huế ảnh 3Bộ chén, khay bằng ngọc và vàng niên hiệu Khải Định. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Không gian trưng bày chính của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là Điện Long An đã không còn đáp ứng nhu cầu trưng bày, giới thiệu các hiện vật đồ sộ mà bảo tàng đang quản lý. Ngày 18/4/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 137/TBVPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đó có nội dung về đầu tư xây dựng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng và xác định vị trí phù hợp; việc trưng bày, giới thiệu cổ vật cung đình Huế cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phải khoa học, hiện đại; kiến trúc phải có sự kế thừa truyền thống, hài hòa, phù hợp với tổng thể di tích Cố đô Huế.

Phát huy không gian trưng bày cổ vật Cung đình Huế ảnh 4Một cuốn kim sách bằng vàng thời nhà Nguyễn. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, thực hiện các thủ tục lựa chọn các đơn vị, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tư vấn phương án thiết kế bảo tàng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu cơ chế chính sách để sử dụng một phần kinh phí của Quỹ Bảo tồn di sản Huế cho việc mua, đấu giá cổ vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế phải thực hiện tốt công tác bảo vệ, số hoá hiện vật, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu tìm hiểu, giới thiệu quảng bá di sản văn hóa Huế hiệu quả, lan tỏa hơn nữa…

Phát huy không gian trưng bày cổ vật Cung đình Huế ảnh 5Đỉnh bạc niên hiệu Khải Định thứ 1, năm 1916. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày triển lãm “Từ Musée Khải Định đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế” bao gồm 100 hiện vật tiêu biểu thời Vua Khải Định.

Phát huy không gian trưng bày cổ vật Cung đình Huế ảnh 6Những chiếc ấn bạc mạ vàng niên hiệu Khải Định. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Đỗ Trưởng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm