Hơn 100 đứa trẻ người Mông ấy được cha mẹ chúng thuê cho những ngôi nhà tạm từ 30 đến 40m2 gần trường học để ở. Các em là dân di cư tự do từ những dãy núi đá tai mèo phía Tây Bắc đến khu Tây Sơn, khu vực giáp ranh của Liêng S’rônh, Phi Liêng (Lâm Đồng) với Đắc Nông. Ham học, nhưng lại cách trường hơn 30km, chúng bị “bắt buộc” trở thành người lớn, hàng tuần gạo mắm, củi lửa ra tận Phi Liêng trọ học.
Giống như nhiều em nhỏ khác ở khu nhà trọ, Giàng A Phình - cậu bé học lớp 3 (Trường Tiểu học Chu Văn An, xã Phi Liêng) đã tự phải lo cho mình việc cơm nước và em khá thành thạo trong chuyện bếp núc. “Em học xa nhà, nên nấu ăn cũng đơn giản. Mỗi bữa, em thường ăn với cà chua, rau và cá hấp, với em vậy là ngon rồi. Không biết nấu nhiều món và cũng không có nhiều tiền để ăn ngon, nên với em càng đơn giản càng tiện”, A Phình thật lòng nói khi tôi hỏi.
Những đứa trẻ phải tự lo cho mình từ khi còn rất nhỏ |
Nỗi nhớ xa nhà phải gác lại, sau buổi tan trường, những đứa trẻ ấy lại quây quần về những căn nhà trọ. Ở đó, chúng như một gia đình, đứa lớn làm “cha”, làm “mẹ” đứng bếp, đứa nhỏ nhặt rau, vo gạo… Vất vả nhưng trật tự, bởi gần như chúng đều là anh em trong một gia đình, hoặc xa thì cũng là bà con trong họ. Cứ như vậy, sau chuyện tắm giặt, cơm nước, là tăm tắp ngồi vào bàn học bài, đứa lớn bảo ban đứa nhỏ. Xa nhà, không có người lớn, cuộc sống trọ học đã cho chúng sự vững vàng và tự lập hơn những đứa trẻ ở phố thị rất nhiều.
Giàng A Vang - lớp 9A4, Trường THCS Phi Liêng, huyện Đam Rông chia sẻ: “Em lớn tuổi nhất, nên mỗi sáng phải gọi các em dậy sớm từ lúc 6h, vệ sinh, có gì ăn đó, thường là cơm nguội, rồi buổi trưa tan học thì về nấu cho các em ăn. Tối lại, cơm nước xong, học bài rồi lại phải đốc thúc cho các em ngủ. Xa nhà nên mọi chuyện đều phải thay cha mẹ để lo cho các em”.
Vì nhà xa, các em còn nhỏ, đi lại khó khăn, nên thường 2 - 3 tháng, hay dịp lễ, tết, nghỉ hè, hoặc nhà có việc cuối tuần các em mới được người thân đón về. Nghèo đói, thất học, lại di cư nhiều nơi, nên cha mẹ các em hiểu chuyện học là lối thoát duy nhất cho tương lai của con cháu mình, nên họ luân phiên nhau, gác việc nương rẫy dành nửa ngày vượt qua quãng đường rừng hơn 20km để mỗi dịp cuối tuần đến thăm các em nơi trọ học. Họ đến để động viên và chu cấp cho các em, thiếu gì thì mua sắm, chỉ mong cho các em sáng lòng với con chữ. Anh Giàng A Chu - ở khu Tây Sơn, có ba đứa con đang học tại Phi Liêng cho biết: “Vì đường đi lại khó quá, xa nữa, nên 2 tuần mình mới ra một lần thăm các cháu. Vẫn biết khó khăn, nhưng không còn cách nào khác là phải cho chúng biết cái chữ. Chỉ có thế chúng mới đổi đời, không khổ cực như cha mẹ chúng”.
Phía sau niềm vui ham học lại là những nỗi lo không dễ kể ra. Có bốn ngôi nhà trọ tất cả, mỗi nhà 25 đứa trẻ thuộc 6 gia đình ở khu vực Tây Sơn, nơi người Mông di cư tìm đến. Chúng ham học, tự lập bởi cuộc sống xa nhà. Nhưng mỗi khi đau ốm, chẳng ai quan tâm, và chúng cũng thường giấu thầy cô bởi nhút nhát và sợ làm phiền.
Nhiều đứa lớn, không được quan tâm, theo bản năng đôi khi lại bỏ học đi mót cà phê, kiếm măng rừng, hái đót để kiếm thêm tiền chi tiêu. Sợ hơn, các em lớn, đang có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, nếu không được quan tâm, chỉ bảo của cha mẹ, người lớn các em rất dễ gặp phải sự đáng tiếc hoặc nặng nề hơn là việc tảo hôn. Đây cũng là điều nhiều phụ huynh và nhà trường rất lo ngại.
Cô Lê Thị Nhâm - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phi Liêng cho biết: “Các em ở chung như thế này, mỗi hộ có khi lên 18 đến 30 em. Những em chủ gia đình có khi chỉ là học sinh lớp 6, lớp 7 thôi. Khi các em ở chung, con gái và con trai sinh hoạt như thế này thì có những va chạm trong cuộc sống đời thường. Do vậy, có thể dễ làm cho các em sai lạc trong chuyện tình cảm dẫn đến tình trạng tảo hôn. Điều này làm chúng tôi rất lo lắng”.
Thực hiện theo chính sách của Nhà nước, cùng với những học sinh khác thuộc đối tượng hỗ trợ, các em học sinh đồng bào Mông khu Tây Sơn đi học ở xa nhà đã được hỗ trợ ăn, ở, thuốc men với số tiền 175 nghìn đồng và 15kg gạo/tháng học tập. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đầu, còn về lâu dài, huyện Đam Rông cũng đã có kế hoạch xây dựng nhà bán trú dân nuôi để giúp các em học sinh đồng bào Mông ở khu Tây Sơn ổn định trong sinh hoạt đời sống cũng như học tập, lâu dài hơn nữa là mở trường học ở gần nhà các em.
Ông Trần Phú Vinh - Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đam Rông cho biết thêm: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện xây dựng nhà bán trú ở khu vực xã Phi Liêng. Tuy nhiên, việc xây nhà bán trú chỉ là giải pháp tạm thời. Chúng tôi khảo sát khu vực Tây Sơn thực sự đông học sinh thì chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện mở trường, mở lớp ở trong đó để cho các em tiện lợi hơn với việc đi học”.
Ai cũng thấy rõ, việc học rất quan trọng đối với mỗi người. Cũng vì thế, rất ghi nhận sự cố gắng học tập ở xa nhà của gần 100 học sinh chủ yếu là con em đồng bào Mông ở khu vực Tây Sơn thuộc vùng giáp ranh. Nhưng để giúp các em học tập, phát triển toàn diện và có tương lai tươi sáng hơn thì không chỉ cần sự cố gắng của bản thân các em, sự quan tâm của gia đình, nhà trường mà còn là sự tạo điều kiện thuận lợi khác của toàn xã hội.
Báo Lâm Đồng