Triển vọng phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch

Làng đào Nhật Tân với hàng vạn gốc đào khoe sắc bên cây cầu cùng tên ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Làng đào Nhật Tân với hàng vạn gốc đào khoe sắc bên cây cầu cùng tên ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Xu hướng đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp đang diễn ra ở nhiều địa phương. Trước thực tế đó, phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ven đô gắn với hoạt động du lịch là một trong những hướng đi phù hợp, tạo sự phát triển bền vững.

Triển vọng phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch ảnh 1Làng đào Nhật Tân với hàng vạn gốc đào khoe sắc bên cây cầu cùng tên ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Tích hợp đa giá trị

Tại nhiều thành phố, đô thị hóa đã thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, làm tăng số lượng cư dân; đồng thời, biến đổi khí hậu tác động mạnh đến điều kiện canh tác, nhiệt độ và lượng mưa thay đổi thất thường cũng làm ảnh hưởng đến mùa vụ. Trong bối cảnh đó, gắn kết phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch được xem là “mũi tên” trúng nhiều đích vừa tạo giá trị gia tăng cho nông sản, vừa bổ sung sản phẩm du lịch, tăng thu nhập cho người dân.

Tiến sĩ Vũ Thu Hiền, Trường Đại học Tài chính - Marketing nhận định, tại một số đô thị lớn ở Việt Nam, sản xuất nông nghiệp vẫn tồn tại. Cụ thể, ở Hà Nội, có những địa danh làm nông nghiệp nổi tiếng như hoa, rau Tây Tựu, đào Nhật Tân, tôm, cá hồ Tây… Ngoài ra, một số người dân Hà Nội trồng cây, nuôi chim, cá và chó, mèo cảnh cũng mang lại nguồn thu cho hoạt động nông nghiệp tại Thủ đô.

Triển vọng phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch ảnh 2Nông dân làng hoa Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) thu hoạch hoa hồng phục vụ thị trường. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, nông nghiệp đã có những bước phát triển và định hướng mới. Thành phố tập trung xây dựng các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao như Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel, Trung tâm Công nghệ sinh học..., góp phần tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, đặc sản để cung cấp cho nhu cầu tại chỗ và thị trường bên ngoài trong tiến trình phát triển nông nghiệp đô thị.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Tp.Hồ Chí Minh, hiện nay nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đang cung cấp dịch vụ du lịch, phân bố ở các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, thành phố Thủ Đức. Các hợp tác xã này chăn nuôi bò sữa, nuôi trồng thủy sản, nuôi yến sào, trồng rau sạch, trồng hoa lan, chế biến cá khô, đồng thời khai thác các dịch vụ du lịch trải nghiệm trồng cây, thu hoạch nông sản, thưởng thức ẩm thực đồng quê.

Đặc biệt, Tp. Hồ Chí Minh đã có một số sự kiện lễ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao như Festival Hoa lan, Lễ hội cá cảnh... Các sự kiện không chỉ là cơ hội xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm đặc sản mà còn là dịp kết nối du lịch với phát triển nông nghiệp đô thị, tạo thêm điểm đến du lịch hấp dẫn cho thành phố.

Triển vọng phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch ảnh 3Hồ cá Koi tại Lễ hội Cá cảnh Tp. Hồ Chí Minh năm 2023 thu hút nhiều khách tham quan. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Ngành nghề nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho biết, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, quỹ đất nông nghiệp của thành phố đang bị thu hẹp. Trước thực tế này, phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học được chú ý phát triển. Cá cảnh là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Tp. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, tại Tp. Hồ Chí Minh có khoảng 300 cơ sở, hộ nuôi cá cảnh với tổng diện tích sản xuất khoảng 90 ha. Sản phẩm cá cảnh của thành phố đã xuất khẩu đến 50 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Âu, châu Á, châu Mỹ, Trung Đông và Nam Phi. Thông qua “kênh” du lịch, các sự kiện lễ hội, nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu các cơ sở nuôi cá cảnh, sau đó trở thành khách hàng, thường xuyên thu mua cá cảnh với số lượng lớn.

Định hướng phát triển

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ nay đến năm 2030, mỗi năm dự kiến Tp. Hồ Chí Minh giảm thêm khoảng 1.500 ha đất nông nghiệp. Vì vậy, thành phố định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học gắn với phát triển du lịch, ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh- Nguyễn Hữu Hoài Phú, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị, tập trung phát triển nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gắn kết với phát triển du lịch, phát triển nông thôn mới theo hướng đô thị nông nghiệp công nghệ cao, đô thị văn minh.

Đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch, theo Tiến sĩ Vũ Thu Hiền (Trường Đại học Tài chính- Marketing), đối với phát triển nông nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh, một trong những định hướng là gắn với du lịch và du lịch thông minh. Để làm được điều này, xác định các khu vực sản xuất nông nghiệp phổ biến hiện nay ở thành phố tập trung ở các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ hay một số điểm tại thành phố Thủ Đức.

Những nơi này khi xác định đầu tư cho hoạt động du lịch, cần được quy hoạch tạo cảnh quan, văn hóa đặc trưng và đưa sản phẩm nông nghiệp vào sử dụng tại chỗ. Đưa vào khai thác du lịch cần chú trọng giới thiệu để du khách cảm nhận giá trị điểm đến, giới thiệu cho du khách thưởng thức nhiều món ăn được chế biến từ nguồn nguyên liệu do các trang trại, khu nông nghiệp công nghệ cao cung cấp. Cùng với đó, các khu nông nghiệp công nghệ cao cần tiếp tục được đầu tư để bên cạnh khai thác nông nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cư dân đô thị, còn tạo thuận lợi cho du khách tham gia trải nghiệm,

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, cùng ở Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai cũng là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tỉnh đã có Đề án “Phát triển nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” tại 7 địa phương gồm các thành phố Biên Hòa, Long Khánh, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất và một phần huyện Vĩnh Cửu.

Theo đó, Đồng Nai định hướng phát triển kinh tế- xã hội vùng Tây Nam của tỉnh là công nghiệp dịch vụ, du lịch. Vì vậy, quan điểm phát triển nông nghiệp đô thị là hỗ trợ và làm hậu cần cho phát triển du lịch, công nghiệp. Qua đó, tăng thu nhập cho người dân thông qua nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp; đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường.

Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp trong vùng Tây Nam tỉnh đạt 290 triệu - 300 triệu đồng/ha. Các loại hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái hoạt động hiệu quả, phát triển mới thêm 2 - 3 mô hình so với năm 2020. Đến năm 2030, giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp trong vùng này đạt 350 triệu - 360 triệu đồng/ha. Đồng thời, củng cố, phát triển các loại hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái theo hướng chuyên nghiệp; phát triển các loại hình nông nghiệp đô thị thông minh, nông nghiệp hữu cơ...

Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ cũng xác định phát triển nông nghiệp đô thị là hướng đi tất yếu nhằm gia tăng giá trị kinh tế và tạo diện mạo mới cho vùng ven đô. Đồng thời, góp phần tăng không gian xanh, phát huy thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch gắn nông nghiệp.

Bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục gắn kết nông nghiệp với du lịch theo hướng sinh thái, bền vững, vừa tạo thuận lợi cho quảng bá, tiêu thụ nông sản, vừa đa dạng sản phẩm du lịch. Cần Thơ phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% điểm du lịch nông nghiệp được số hóa, 100% điểm đến du lịch nông nghiệp trên địa bàn được giới thiệu, quảng bá. Cần Thơ dự kiến đến năm 2025, thu hút khoảng 1,3 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch nông nghiệp với doanh thu khoảng 910 tỷ đồng. Đến năm 2030, thu hút 2,4 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 1.920 tỷ đồng.

Thanh Trà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm