Triển vọng phát triển kinh tế từ cây si rô ở xứ nắng Ninh Thuận

Quả si rô chín có màu sắc rất đẹp được dùng để chế biến nhiều loại thức uống ngon miệng, giàu dinh dưỡng. Ảnh: TTXVN phát
Quả si rô chín có màu sắc rất đẹp được dùng để chế biến nhiều loại thức uống ngon miệng, giàu dinh dưỡng. Ảnh: TTXVN phát

Cây si rô là loại cây cho quả dùng để chế biến nước giải khát và các loại thực phẩm. Đây là loại cây khá mới lạ ở “xứ nắng” Ninh Thuận, được nhiều hộ nông dân đưa về trồng, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế khá rõ nét.

Triển vọng phát triển kinh tế từ cây si rô ở xứ nắng Ninh Thuận ảnh 1Quả si rô chín có màu sắc rất đẹp được dùng để chế biến nhiều loại thức uống ngon miệng, giàu dinh dưỡng. Ảnh: TTXVN phát

Vườn cây si rô của gia đình chị Nguyễn Ngọc Uyên Trinh, thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, người tiên phong đưa cây về trồng chia sẻ, cách đây 4 năm trong lần lướt mạng xã hội thấy người bạn ở tỉnh An Giang đăng hình trồng cây si rô, loại quả lạ này khi chín rất đẹp nên chị xin giống cây về trồng. Ban đầu chị Trinh trồng vài cây trong khuôn viên nhà làm cảnh nhưng nhiều người dân ở địa phương thấy cây cho quả đẹp đến hỏi mua cây giống nên chị quyết định trồng nhân rộng lên 1 sào (1.000 m2).

Qua tìm hiểu, cây si rô có tên khoa học là Carissa carandas. L, thuộc họ trúc đào, xuất xứ từ Indonesia, Ấn Độ. Si rô thuộc loại cây thân gỗ nhỏ, dạng bụi, sống lâu năm, chiều cao khoảng 2 - 4 m. Cây có nhiều cành nhánh, thân và cành có gai nhọn. Cây càng to càng sai quả, quả mọc thành chùm, hình tròn, khi non có màu trắng, chuyển hồng, đỏ rồi chín đỏ sậm.

Triển vọng phát triển kinh tế từ cây si rô ở xứ nắng Ninh Thuận ảnh 2Vườn cây si rô chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Quả si rô chín có vị vừa ngọt, vừa chua, thơm nhẹ, thường được sử dụng để ngâm với đường làm mật si rô, dùng để giải khát hoặc làm màu, gia vị trong chế biến thực phẩm. Tại Việt Nam, cây si rô được trồng ở nhiều tỉnh, thành như An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang...

Chủ vườn cho biết, cây si rô trồng hạt khoảng 2 năm cho quả, còn cây chiết chỉ khoảng 6 tháng là cho thu hoạch. So với các loại cây ăn trái khác, cây si rô rất dễ chăm sóc, hầu như không bị sâu bệnh tấn công, bởi vậy không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tưới phân nhiều. Đặc biệt, khí hậu khô nóng của Ninh Thuận rất thích hợp cho cây si rô sinh trưởng và phát triển, nắng nhiều nên màu quả chín rất đẹp và đều. Cây si rô ra hoa từ tháng 2 và bắt đầu chín từ tháng 5 và thu hoạch kéo dài cho đến tháng 10, bình quân một cây si rô trưởng thành cho thu hoạch khoảng 20kg quả trở lên.

Triển vọng phát triển kinh tế từ cây si rô ở xứ nắng Ninh Thuận ảnh 3Chị Nguyễn Ngọc Uyên Trinh chăm sóc vườn cây si rô trồng làm cây kiểng. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Hiện tại, vườn si rô hơn 50 cây đang vào mùa chín rộ, mỗi ngày chị Trinh mở cửa đón hàng chục lượt khách vào tham quan, chụp ảnh lưu niệm, thưởng thức và mua các sản phẩm chế biến từ quả sirô ngay tại vườn. Chị Trinh thu hoạch quả si rô chín bán với giá 50.000 đồng/kg, chế biến nước giải khát đóng chai 500ml với giá 40.000 đồng/chai, đem lại nguồn thu nhập đáng kể so với trồng các loại cây rau màu khác trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Quả si rô đã được chứng minh có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nên rất được người tiêu dùng đón nhận, sản phẩm thu hoạch hàng ngày không đủ cung cấp do nhu cầu thị trường hiện nay rất lớn.

Từ thuận lợi trên, chị Trinh tiếp tục đầu tư để nhân giống bằng cách chiết cành, vô chậu cung cấp cho người chơi cây kiểng trong và ngoài tỉnh với giá 30.000 - 60.000 đồng/cây si rô. Với đặc tính cho quả sai, đỏ bắt mắt tượng trưng cho màu hy vọng, sự may mắn, tốt lành, gia đình hạnh phúc, chị Trinh đang lên kế hoạch mở rộng diện tích và can thiệp để cây si rô có thể cho trái rộ vào dịp Tết Nguyên đán làm cây cảnh phục vụ nhu cầu của thị trường.

Triển vọng phát triển kinh tế từ cây si rô ở xứ nắng Ninh Thuận ảnh 4Du khách thích thú với trải nghiệm hái quả si rô tại vườn. Ảnh: TTXVN phát

Không chỉ bán chạy sản phẩm làm ra, tạo một điểm du lịch trải nghiệm hái quả ngay tại vườn hấp dẫn du khách, chị Trinh cũng luôn sẵn sàng tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây si rô cho các hộ có nhu cầu liên kết trồng để phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Bùi Văn Trong, Chủ tịch Hội nông dân xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn cho biết, mô hình trồng cây si rô của chị Nguyễn Ngọc Uyên Trinh là một trong những mô hình mới được triển khai tại địa phương, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế khá rõ nét. Một số bà con nông dân trên địa bàn đã đến học tập kinh nghiệm, mua cây giống về trồng, mở ra hướng phát triển kinh tế nông hộ. Cùng với đó, địa phương khuyến khích bà con xây dựng các vườn cây si rô thành điểm tham quan du lịch sinh thái để phát triển kinh tế.

Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với chủ cơ sở trồng cây si rô tiếp tục theo dõi, hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, nghiên cứu triển khai nhân rộng mô hình trồng cây si rô giúp bà con nâng cao thu nhập.


Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm