Triển vọng mô hình nuôi cá Lăng Nha lồng bè tại Quảng Ngãi

Triển vọng mô hình nuôi cá Lăng Nha lồng bè tại Quảng Ngãi

Tận dụng lợi thế diện tích mặt nước lòng hồ Thủy điện Đắkđrinh cùng với kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai mô hình “Nuôi cá Lăng Nha lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Mô hình đang đem lại kết quả khả quan, mở ra hướng thoát nghèo bền vững.

Triển vọng mô hình nuôi cá Lăng Nha lồng bè tại Quảng Ngãi ảnh 1Nuôi cá Lăng Nha lồng bè mở ra triển vọng thoát nghèo bền vững cho bà con miền núi Quảng Ngãi. Ảnh:nongnghiep.vn

Mô hình trên thuộc dự án Khuyến nông Trung ương năm 2020. Theo đó, có 2 hộ tham gia nuôi với thể tích nuôi trồng 200m3 cùng 4.000 con cá giống. Ông Võ Tấn Tám, xã Sơn Dung chia sẻ, gia đình ông nuôi cá ở lòng hồ Thủy điện Đắkđrinh được 3 năm, chủ yếu là tự nuôi và tự lo đầu ra, kinh nghiệm chăm sóc đàn cá chưa nhiều. Năm nay, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư 2 lồng bè thả nuôi cá Lăng Nha nên gia đình ông rất phấn khởi, hy vọng mô hình sẽ cho thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Theo đánh giá, sau hơn 5 tháng thả nuôi, cá Lăng Nha (một giống cá còn mới mẻ) thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của vùng đất Sơn Dung, sinh trưởng và phát triển mạnh, đạt chiều dài thân 27 cm/con và đạt trọng lượng bình quân 200 gram/con; tỷ lệ sống lên tới 90%, đặc biệt không có hiện tượng nhiễm bệnh.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thái, cán bộ kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, khi tham gia mô hình, các hộ nuôi được nhà nước hỗ trợ 70% chi phí (bao gồm con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học) và chỉ đối ứng 30% còn lại.

Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, cử cán bộ kỹ thuật “cùng ăn, cùng ở” với người dân, hướng dẫn tận tình về cách thức lắp đặt lồng bè, xử lý vệ sinh môi trường nước trước khi thả nuôi... Đến thời điểm hiện tại, 2 hộ tham gia mô hình đã khá thành thạo kỹ thuật chăm sóc cá. Điều đáng nói, sản phẩm sau khai thác sẽ được bao tiêu đầu ra nên người nuôi rất an tâm.

Thành công từ mô hình sẽ là bước đệm để xã Sơn Dung nói riêng và các địa phương khác trong tỉnh nói chung có thể nhân rộng ra cộng đồng, từ đó có nhiều hộ dân tiếp cận hơn, vươn lên làm giàu chính đáng.


Lê Ngọc Phước

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm