Trẻ mầm non chịu nhiều ảnh hưởng nhất của các biện pháp phong tỏa phòng COVID-19

Trẻ mầm non chịu nhiều ảnh hưởng nhất của các biện pháp phong tỏa phòng COVID-19

Trẻ mầm non là nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất do các biện pháp giãn cách xã hội trong đại dịch COVID-19. Một nghiên cứu mới đây phát hiện tiến bộ học tập cũng như sự phát triển của trẻ em trong độ tuổi 4-5 bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm đầu tiên trở lại trường sau đại dịch.

Nhóm nghiên cứu tại England (Anh) đã xem xét hơn 3.000 trẻ bắt đầu học lớp mầm non 4-5 tuổi vào tháng 9/2020. Những trẻ em này đã phải tạm dừng đến trường do đợt phong tỏa lần thứ hai vào tháng 11/2020 và lần thứ ba từ tháng 1-3/2021 tại England. Trước đó, nhiều trẻ trong số này chưa đi nhà trẻ hay các cơ sở giáo dục mầm non khác trong đợt phong tỏa hồi tháng 3/2020.

Nghiên cứu nhận thấy các phụ huynh và giáo viên lo ngại trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, khả năng học ngôn ngữ và toán học khi bắt đầu lớp mầm non 4-5 tuổi sau đợt phong tỏa trước đó vào mùa Xuân. Cụ thể, các nhà nghiên cứu cho biết trong giai đoạn phong tỏa, nhiều trẻ trải qua thời gian khó khăn hơn do không gian sống chật chội, bí bách, không được gần gũi với thiên nhiên, những khó khăn về tài chính và vấn đề sức khỏe tâm thần của cha mẹ. Khi bắt đầu đến trường, trẻ lại bị gián đoạn học tập do các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng COVID-19. Chỉ sau một học kỳ, các em lại phải ở nhà do một đợt phong tỏa khác.

Trong các cuộc phỏng vấn với nhóm nghiên cứu, các giáo viên nêu ra một số vấn đề của học sinh bao gồm những hành vi hung hăng như cắn và đánh người khác, cảm giác khó chịu trong lớp học hoặc khó hòa nhập với đám đông… Một số giáo viên nói rằng do gián đoạn học tập, một số trẻ trở nên tự ti cũng như có lòng tự tôn thấp và nhiều trẻ cảm thấy “quá tải” vì chuyện học hành hơn so với trước đây.

Bà Ruth Coleman, giáo viên tại trường Highfield ở thành phố Ipswich (Anh), cho biết khi trẻ trở lại trường mẫu giáo sau đại dịch COVID-19, nhiều trẻ gặp khó khăn ở những khía cạnh quan trọng của sự phát triển trong những năm đầu đời, chẳng hạn như cách ứng xử thân mật hoặc hòa nhập với đám đông.

Các giáo viên cũng nhận thấy nhiều trẻ có cảm giác lo lắng khi xa cha mẹ. Một số trẻ thậm chí còn chậm phát triển kỹ năng nói cũng như ngôn ngữ hơn so với dự kiến. Trong khi đó, nhiều phụ huynh không thể giúp trẻ học trong thời gian phong tỏa do nhận thấy khó dạy cho trẻ học đọc và viết.

Theo nghiên cứu, nhiều trẻ em hoàn thành lớp mầm non 4-5 tuổi sau khi đại dịch bùng phát chậm hơn so với mục tiêu được dự kiến trong những năm trước đại dịch. Chưa đến 3 trẻ em ở mỗi lớp không đạt được mức độ phát triển bản thân, thể chất và học tập.

Bà Claudine Bowyer-Crane, làm việc tại Viện Quốc gia về nghiên cứu kinh tế và xã hội, cho biết những kết quả nghiên cứu trên rất đáng lo ngại. Điều này không chỉ chứng tỏ những trẻ bắt đầu bước vào lớp mầm non 4-5 tuổi vào năm 2022 đang gặp khó khăn về môn đọc, viết và toán học, mà còn cho thấy rất ít trẻ em trong số này đạt được mức độ phát triển tốt.

Giáo sư Becky Francis, Giám đốc điều hành Quỹ Hỗ trợ giáo dục, cho biết những năm đầu đời là thời gian rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, cả về kết quả học tập, kỹ năng xã hội và sức khỏe tâm thần. Do đó, các nhà nghiên cứu lo ngại trước thực trạng ít trẻ đạt được mức độ phát triển như dự kiến sau khi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non cho trẻ từ 4-5 tuổi.Nguyễn Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm