Trà Vinh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trà Vinh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tỉnh Trà Vinh đang tập trung nhiều giải pháp để phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo ông Dương Hoàng Sum - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch đóng góp khoảng 10% trong GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, ngành du lịch của tỉnh phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, mỗi địa phương sẽ hình thành một điểm đến tiêu biểu dựa trên tiềm năng và lợi thế đặc trưng của mình. Cụ thể, thành phố Trà Vinh xây dựng đô thị du lịch xanh gắn với các loại hình tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; thị xã Duyên Hải phát triển du lịch sinh thái biển gắn với du lịch văn hóa tâm linh; huyện Duyên Hải đầu tư du lịch biển với hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển; huyện Cầu Ngang khai thác du lịch sinh thái gắn với làng nghề và các cồn nổi ven biển. Huyện Trà Cú phát triển du lịch văn hóa; huyện Châu Thành tập trung vào du lịch cộng đồng; huyện Tiểu Cần ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn; huyện Càng Long đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch sinh thái gắn với làng nghề truyền thống.

Nhằm thu hút khách du lịch, ngành du lịch Trà Vinh đề ra các giải pháp khai thác sản phẩm đặc trưng dựa trên yếu tố văn hóa Khmer. Theo đó, ngành xây dựng hoàn chỉnh không gian văn hóa – du lịch Khmer gắn liền với Khu di tích danh thắng Ao Bà Om, di tích Bờ Luỹ - chùa Lò Gạch và vùng phụ cận thuộc huyện Châu Thành để tạo điểm nhấn cho ngành du lịch. Đồng thời hình thành các điểm du lịch nông nghiệp tại Cồn Chim (Châu Thành) và Cồn Hô (Càng Long) và các cồn nổi khác.

Tỉnh cũng tạo quỹ đất sạch để dễ mời gọi các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các điểm tham quan, nghỉ dưỡng từ 4 sao trở lên tại không gian văn hóa – du lịch Ao Bà Om, từ 3 sao trở lên tại Khu du lịch biển Ba Động và khu khoáng nóng thị xã Duyên Hải; mời gọi đầu tư ít nhất 1 khách sạn từ 4 - 5 sao tại trung tâm thành phố Trà Vinh để đáp ứng các điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành đưa khách về Trà Vinh đặc biệt là các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng đủ điều kiện đăng cai các giải thể thao cấp khu vực và cấp quốc gia gắn với phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, ẩm thực, giải trí… Ngành du lịch tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng lao động trong ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Thời gian tới, ngành sẽ đổi mới phương thức xúc tiến du lịch, tăng cường mối liên kết với các tỉnh, thành trong nước và các cơ quan truyền thông để quảng bá hình ảnh du lịch Trà Vinh.

Để du lịch phát triển và khuyến khích người dân địa phương tham gia làm du lịch, năm 2018, tỉnh Trà Vinh ban hành Nghị quyết quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh hỗ trợ hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) từ 2-5 phòng, với mức hỗ trợ một hộ 30 triệu đồng/phòng; hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn nhưng không quá 150 triệu đồng/hộ, thời gian tối đa 36 tháng tại các tổ chức tín dụng. Tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp đặc sản, hàng lưu niệm với mức hỗ trợ tối đa lên đến 200 triệu đồng; hỗ trợ mua sắm phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông thô sơ, xe điện để vận chuyển khách du lịch. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ đào tạo lao động cho các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng/dự án.

Nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, có 65 km bờ biển, nhiều cù lao, cồn nổi với những đặc sản biển và trái cây quanh năm, tỉnh Trà Vinh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 310.000 đồng bào dân tộc Khmer, chiếm gần 32% số dân. Đồng bào Khmer có rất nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc diễn ra trong năm như Ok Om Bok, Sene Đolta, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay... là điều kiện để địa phương phát triển du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc gắn với hoạt động lễ hội tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng tham quan thắng cảnh, sông nước miệt vườn…

Ông Dương Hoàng Sum cho biết thêm: Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; công tác xúc tiến, quảng bá còn hạn chế, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, hạ tầng chưa được đầu tư…, chưa thu hút được nhiều khách du lịch. Đặc biệt, năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Lượng khách và tổng thu du lịch ước giảm trên 20% so với năm 2019. Tính chung cả giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 8,59%/năm, trong đó khách du lịch tăng 26,59%, khách lưu trú tăng 26,79% và chiếm tỉ trọng đáng kể trong GRDP của tỉnh.

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm