Hàng nghìn người dân và du khách trẩy hội tại Di tích quốc gia đền Tiên La

Ngày 18/4 (tức 10/3 âm lịch), mặc dù trời mưa, nhưng hàng nghìn người dân và du khách từ khắp nơi vẫn về Di tích quốc gia đền Tiên La, tại xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình tham dự Lễ hội truyền thống đền Tiên La năm 2024. Lễ hội truyền thống đền Tiên La năm nay được tổ chức từ ngày 18 - 22/4, với chủ đề “Tiên La Thánh Tích”.

vna_potal_thai_binh_hang_nghin_nguoi_dan_va_du_khach_tray_hoi_tai_di_tich_quoc_gia_den_tien_la_7329151.jpg
Một góc đền Tiên La trong ngày hội. Ảnh Vũ Quang – TTXVN

Lễ hội truyền thống đền Tiên La gắn với việc phụng thờ Bát nàn tướng quân Vũ Thị Thục (thường gọi là Thục Nương), một nữ tướng của Hai Bà Trưng có công đánh quân xâm lược phương Bắc, được tấn phong là Đông Nhung Đại tướng quân.

vna_potal_thai_binh_hang_nghin_nguoi_dan_va_du_khach_tray_hoi_tai_di_tich_quoc_gia_den_tien_la_7329144.jpg
Người dân và du khách dự Lễ hội truyền thống đền Tiên La năm 2024. Ảnh Vũ Quang – TTXVN

Mùa xuân năm Nhâm Dần (42 sau Công nguyên), bà mất trong trận chiến với quân xâm lược phương Bắc. Cảm kích trước công đức và chí khí oai hùng của nữ tướng, dân làng Tiên La, Lương Xá, An Nhân, Hồng An (huyện Hưng Hà) lập đền thờ bà. Hằng năm, cứ vào dịp tháng 3 âm lịch, địa phương tổ chức lễ hội để nhớ ngày bà mất.

vna_potal_thai_binh_hang_nghin_nguoi_dan_va_du_khach_tray_hoi_tai_di_tich_quoc_gia_den_tien_la_7329153 (1).jpg
Đền Tiên La - điểm đến du lịch văn hóa tâm linh ý nghĩa, góp phần tuyên truyền, quảng bá nét đẹp của tỉnh Thái Bình. Ảnh Vũ Quang – TTXVN

Lễ hội Tiên La năm nay không tổ chức lễ rước nước mà tập trung vào các phần hội như: Hội thi giã bánh giầy, liên hoan các câu lạc bộ chèo; têm trầu cánh phượng; cờ biển, pháo đất, liên hoan hát văn, kéo co...

vna_potal_thai_binh_hang_nghin_nguoi_dan_va_du_khach_tray_hoi_tai_di_tich_quoc_gia_den_tien_la_7329146 (1).jpg
Đền Tiên La - điểm đến du lịch văn hóa tâm linh ý nghĩa, góp phần tuyên truyền, quảng bá nét đẹp của tỉnh Thái Bình. Ảnh Vũ Quang – TTXVN

Ông Đặng Vũ Trần Nhã, Thủ nhang đền Tiên La cho biết: Đền Tiên La được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1986. Đền tọa lạc trên diện tích gần 3 ha theo kiến trúc cổ “Tiền nhất - hậu đinh”. Mặt trước đền hướng ra sông Tiên Hưng, cổng tam quan hai tầng sừng sững uy nghi, phía ngoài cổng có nhiều tượng ngựa đá, voi đá, các nữ binh sĩ bằng đá, người tuốt gươm, người nắm đốc gươm đứng oai nghiêm như gợi nhớ về thuở oai hùng nghìn năm trước. Tại đây còn lưu những bức đại tự có nội dung ca ngợi triều Trưng Vương và đức hạnh, tài sắc của nữ tướng và nhiều đồ tế quý giá có giá trị thẩm mỹ cao, có niên đại từ thời Lê. Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền Tiên La có quy mô rộng lớn, đặc sắc cả về địa thế và vóc dáng.

vna_potal_thai_binh_hang_nghin_nguoi_dan_va_du_khach_tray_hoi_tai_di_tich_quoc_gia_den_tien_la_7329152.jpg
Người dân đến Lễ hội truyền thống đền Tiên La năm 2024. Ảnh Vũ Quang – TTXVN

Với truyền thống lịch sử, đền Tiên La là một trong số ít ngôi đền có kiến trúc đá đồ sộ bậc nhất vùng châu thổ sông Hồng. Sự độc đáo của nghệ thuật kiến trúc và thế đất thiêng huyền bí của gò Kim Quy, nơi tọa lạc ngôi đền đã tạo ra sức hút mãnh liệt, hội tụ các giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Tự hào với bề dày truyền thống lịch sử, đến nay người dân địa phương vẫn truyền nhau câu ca “Đã là con mẹ, con cha/Tháng ba giỗ Mẫu Tiên La thì về”. Ngày vào hội và tan hội thường có “mưa rửa đền”…

vna_potal_thai_binh_hang_nghin_nguoi_dan_va_du_khach_tray_hoi_tai_di_tich_quoc_gia_den_tien_la_7329150.jpg
Người dân làm lễ tại đền Tiên La. Ảnh Vũ Quang – TTXVN

Với giá trị lịch sử, lối kiến trúc độc đáo, đền Tiên La đang là một trong những điểm nhấn du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Thái Bình; đồng thời thông qua đó giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Vũ Quang Đán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm