Nhờ vốn vay ưu đãi, gia đình chị Khu Thị Ngọc Hương, dân tộc Khmer, ở huyện Trà Cú (Trà Vinh) đã cải tạo vườn trồng rau, cho thu nhập tốt. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
|
Cụ thể, tỉnh dành gần 3 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương trồng rau an toàn tập trung, gần 1,4 tỷ đồng trồng rau an toàn nhà lưới; gần 8,5 tỷ đồng hỗ trợ trồng mới, cải tạo, nâng cấp vườn cây ăn trái; khoảng 4 tỷ hỗ trợ, trồng mới, cải tạo, nâng cấp vườn dừa. Đối với các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, tỉnh dành hơn 2 tỷ hỗ trợ các địa phương chuyển đổi sang trồng ngô, lạc; gần 3,6 tỷ đồng trồng rau màu, cỏ nuôi bò… Tỉnh cũng dành một phần kinh phí hỗ trợ các tập thể, cá nhân thuê đất trồng trọt, nuôi cá, cua, tôm; đầu tư ngoài rào các khu trang trại chăn nuôi. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện các hoạt động hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm.
Gia đình anh Thạch Hoài Phong và chị Lê Thị Ngọc Rạng, dân tộc Khmer, huyện Cầu Ngang được vay vốn ưu đãi để cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm cho biết, tỉnh Trà Vinh đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, tỉnh tổ chức lại sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, tăng cường ứng dụng khoa học- công nghệ giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng một đơn vị sản xuất. Đến nay, cơ cấu ngành nông nghiệp được chuyển dịch hợp lý. Thực hiện chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi trồng các cây con khác, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh phối hợp với các địa phương tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 13.295 ha. Nhiều diện tích chuyển đổi cho thu nhập tăng nhiều lần so với trồng lúa trước đây.
Thanh Hoà