Trong một thông báo mới đưa ra, Điện Kremlin cho biết 2 vị lãnh đạo đã thảo luận chi tiết về tình hình tại Syria, đặc biệt xác nhận sẽ cùng tạo mọi điều kiện nhằm củng cố lệnh ngừng bắn vốn do hai cường quốc này khởi xướng, cũng như hỗ trợ nhân đạo cho Syria. Ngoài ra, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh cần phải tạo điều kiện để các nhóm đối lập "ôn hòa" tránh xa các tổ chức khủng bố như "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và Mặt trận Al-Nusra, cũng như cần phải đóng cửa biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn hoạt động cung cấp vũ khí cho các tổ chức khủng bố.
Trong ảnh (tư liệu): Ngày 30/11/2015, bên lề Hội nghị về biến đổi khí hậu (COP21) tại thủ đô Paris (Pháp), Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) có cuộc gặp kín trao đổi về các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria. AFP/TTXVN |
Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27/2, thỏa thuận ngừng bắn cục bộ đã góp phần giảm đáng kể tình trạng bạo lực tại nhiều khu vực trên lãnh thổ Syria và dấy lên hy vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa phe đối lập và chính quyền Syria trong cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp Quốc làm trung gian tổ chức tại Geneva nhằm kết thúc cuộc xung đột kéo dài gần 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, tình hình bạo lực tiếp tục gia tăng từ ngày 17/4 tại tỉnh Aleppo phía Bắc Syria khiến cho hy vọng này trở nên mong manh khi phe đối lập tuyên bố rút khỏi hòa đàm trong sự nghi ngờ đối với cam kết của chính quyền Syria về một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến. Về phía mình, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad (Ba-sa an Át-xát) cáo buộc Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar - những quốc gia hậu thuẫn cho phe đối lập tại Syria - đã có chủ ý làm gián đoạn hòa đàm. Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Syria Bashar al-Jaafari (Ba-sa an Gia-pha-ri) cho rằng những quốc gia này và phe đối lập không muốn chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria và cảm thấy "bất an" đối với những tiến triển mà quân đội chính phủ Syria đạt được tại thực địa.
Hiện LHQ tiếp tục nỗ lực duy trì cuộc hòa đàm theo đúng kế hoạch. Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura (Xta-phan đề Mi-xtu-ra) cho biết Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) đại diện cho lực lượng đối lập Syria đã thông báo tạm ngừng tham gia một cách chính thức các cuộc thương lượng tại LHQ song sẽ vẫn ở lại Geneva và tham dự các cuộc thảo luận “kỹ thuật” với ông Mistura và các trợ lý của ông. Ông Mistura khẳng định các vòng đàm phán gián tiếp sắp tới sẽ vẫn diễn ra trong tuần này theo đúng kế hoạch. Hiện nay các cuộc đàm phán đang tập trung vào vấn đề chuyển giao chính trị. Phe đối lập nhấn mạnh cần triển khai một chính phủ chuyển tiếp, trong khi chính quyền Damascus đưa ra ý tưởng về một chính phủ mở rộng./.