Sáng 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 64 điểm cầu trên cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương đã tham dự hội nghị.
Củng cố, duy trì chất lượng giáo dục các cấp
Báo cáo tổng kết năm học 2021-2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Năm học 2021 - 2022, dịch COVID-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo Khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng; tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát, kết hợp dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của toàn ngành Giáo dục, nhằm hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương.
Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, với 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2022 được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Đây cũng là năm đầu tiên thí sinh lớp 12 thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến trên hệ thống quản lý thi. Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy, đề thi có sự phân hóa, phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Ở bậc đại học, tự chủ đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là trong thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước; đầu tư điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học... Chất lượng giáo dục đại học có những cải thiện rõ rệt, năm 2021, có 5 cơ sở giáo dục đại học góp mặt trong các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín. Số lượng các sản phẩm công bố quốc tế của các cơ sở đào tạo gia tăng nhanh chóng. Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo đã bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học.
Toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình, kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh dịch COVID-19.
Nhiều vấn đề còn tồn tại
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại. Cụ thể, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các quy định, hướng dẫn của Bộ triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động. Nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến, đặc biệt là các tỉnh có vùng dân tộc, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học trực tuyến. Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này.
Thời gian dạy học trực tuyến kéo dài trong bối cảnh các điều kiện thực hiện còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh. Sau khi trở lại trường học, trình độ, kiến thức của các em cũng có sự khác nhau.
Việc tổ chức quản lý, hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các cơ sở áo dục mầm non ngoài công lập chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Nhiều cơ sở có nguy cơ phải đóng cửa vì không duy trì được hợp đồng giáo viên, không có kinh phí chi trả cho giáo viên.
Tỷ lệ trường tiểu học tổ chức bán trú còn thấp nên cha mẹ học sinh gặp khó khăn khi đưa con đến trường học 2 buổi/ngày. Các trường tiểu học ở các huyện miền núi có nhiều điểm trường lẻ và lớp ghép với khoảng cách xa nên việc quản lý,tổ chức các hoạt động giáo dục có nhiều bất cập. Một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai...
Tỉ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với Trung học phổ thông khi áp dụng Chương trình mới từ năm học 2022 - 2023. Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn; còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp. Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch. Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục còn hạn chế.
Sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn có ý kiến phản ánh về một số vấn đề như kênh hình, kênh chữ còn chưa phù hợp với một số vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương - phương ngữ. Một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa hay; một số thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh.
Việc thực hiện tự chủ đại học theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học còn chưa đồng bộ dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng, đặc biệt là vấn đề thành lập hội đồng trường, quan hệ giữa hội đồng trường với đảng ủy và ban giám hiệu, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết tại một số đơn vị.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên còn chưa chủ động, kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp phải chuyển sang dạy học trực tuyến. Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, bắt nạt, xâm hại trẻ em, học sinh, sinh viên khi học tập trực tuyến và sử dụng môi trường mạng còn chưa thực sự hiệu quả.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã trao đổi, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp để ngành Giáo dục làm tốt hơn nhiệm vụ được giao trong năm học tới.
Việt Hà